Cuộc sống không như lời mẹ nói...
Quân (22 tuổi, Hà Nội) kể lại, nhà cậu ở ngoại thành, dù là con nhà nông dân nhưng vẫn được bố mẹ cưng chiều hết mực. Từ vệ sinh cá nhân cho đến cắm nồi cơm điện, pha gói mỳ, Quân chưa từng phải làm. Bởi mẹ luôn sợ con trai không biết làm, sợ bị đứt tay, sợ bị bẩn quần áo...Thậm chí, mãi đến năm 13 tuổi, cậu vẫn được mẹ tắm cho và phải đến khi cậu bị bạn bè đồng trang lứa trêu trọc thì mẹ mới dừng lại.
Tốt nghiệp cấp ba, Quân được bố mẹ định hướng theo ngành công nghệ thông tin vì thấy một anh bên nhà hàng xóm cũng học vậy kiếm được nhiều tiền lắm. Vì chẳng có ước mơ rõ ràng nên cậu cũng gật gù nghe theo.
Vậy là, từ một chàng trai nơi nông thôn, nay câu đã trưởng thành - có lẽ về mặt thể chất - đã khăn gói ra thành phố ở trọ. Để tiết kiệm tiền, Quân xin ở ghép cùng với một bạn học chung khóa.
Cha mẹ quá bao bọc con cái khiến trẻ không thể tự đứng vững trên đường đời
Trước khi đi học, Quân được bố dạy cho cách nấu vài món đơn giản như trứng luộc, úp mỳ, luộc rau. Được mẹ dạy cách giặt quần áo, gấp đồ, chăn màn...Song, phụ huynh lại quên dạy cậu cách rửa bát, quét nhà nên cậu ăn xong là quăng bát đĩa vào bồn, chẳng bao giờ đổ rác khiến bạn ở cùng bực bội.
Sau lần cãi nhau với bạn, cậu dọn khỏi phòng trọ. Quân được bố mẹ tìm cho chỗ ở mới cùng một đồng hương hơn hai tuổi. Nhưng tình trạng cũ lặp lại, chỉ vài tháng, cậu chuyển đến ở với gia đình chú ruột.
Tuy người chú rất yêu thương và bao bọc cháu nhưng từ ngày có Quân, vợ chồng chú đã không ít lần cãi vã vì thím "không muốn nuôi thêm một đứa trẻ trong nhà".
Đường học của cậu cũng trắc trở. Vì công nghệ thông tin không đơn giản như cậu nghĩ. Quân chán nản bỏ giữa chừng để đi làm. Nhưng thu nhập bập bõm, Quân thường xuyên phải nhận trợ cấp từ bố mẹ, vay mượn chú thím, bạn bè sống qua ngày. Giờ đây, câu mới thấm thía chân lý xã hội không hề màu hồng như mẹ cậu từng vẽ ra. Và cũng chính bởi sự yêu thương mù quáng của cha mẹ đã khiến cậu khổ sở ra sao để thích nghi với thế giới.
Một lần, Quân quyết định mạnh dạn tâm sự với chú thím về vấn đề của bản thân, nên được thông cảm, chỉ dạy nhiều hơn. Cậu được định hướng học một khóa về thiết kế như mong muốn.
Đầu năm nay, Quân chuyển khỏi nhà chú thím để học cách độc lập. ''Có lẽ tôi là đứa có tuổi thơ dài nhất thế giới. Tôi phải lớn thôi'', Quân nói.
Rủi ro tiềm ẩn khi cha mẹ quá bao bọc con
Trẻ em em ngày nay thiếu độc lập và tự chủ hơn những thế hệ trước. Ngày càng ít trẻ đi bộ một mình đến trường, tự đạp xe dạo quanh khu phố hay giúp cha mẹ việc vặt.
Theo The Wall Street Journal, tại Mỹ, cha mẹ có thể bị buộc tội nếu để con ra ngoài hoặc chơi đùa mà không giám sát. Tuy nhiên, bao bọc con cái quá mức lại dẫn đến những tác hại khôn lường.
Không sẵn sàng đối mặt
Cha mẹ bao bọc quá mức có thể tạo ra một đứa trẻ không sẵn sàng để đối phó với những biến cố trong cuộc sống theo cách của chúng. Trẻ sẽ quen với việc cha mẹ lên kế hoạch và dọn dẹp "đống lộn xộn" mà chúng tạo ra. Đến nỗi, các con sẽ cảm thấy bất lực khi đối mặt với những thách thức nhỏ chứ chưa nói đến những trở ngại lớn.
Nói dối
Nếu con cảm thấy ngột ngạt trong sự bao bọc của cha mẹ, chúng có thể bắt đầu nói dối. Nếu trẻ cảm thấy không thể đối mặt với áp lực từ những kỳ vọng không thực tế hoặc từ những quy tắc nghiêm ngặt, trẻ có thể bóp méo sự thật để thao túng kết quả và thay đổi phản ứng dự đoán của cha mẹ.
Trẻ sẽ nói dối, thiếu tự tin vì "chạm" vào bất cứ thứ gì cũng thấy lo sợ
Phụ thuộc, thiếu tự tin
Nếu trẻ luôn chỉ mong chờ được sà vào lòng cha mẹ để được an ủi và che chở, chúng có thể không phát triển lòng tự trọng cần thiết để trở thành người tự đứng lên vì bản thân.
Nếu bạn làm mọi thứ cho trẻ (từ việc nhà cơ bản đến hoàn thành bài tập ở trường), trẻ có thể bắt đầu mong đợi bạn làm những việc đơn giản khác mà chúng có thể và nên tự làm. Thay vì đón nhận những thử thách mới, trẻ sẽ chờ người khác xử lý vấn đề.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Mary Washington ở Virginia đã phát hiện ra rằng con cái của các bậc cha mẹ nuôi dạy con theo kiểu "trực thăng" dễ bị lo lắng và trầm cảm hơn ở độ tuổi thanh thiếu niên và những năm đại học.
Sợ hãi
Nếu bạn ngăn trẻ làm những việc có thể mang lại kết quả tiêu cực nhưng tương đối vô hại, chúng có thể trở nên sợ hãi khi thử những điều mới. Trẻ có thể lo lắng rằng mình sẽ bị tổn thương hoặc bị từ chối và cuối cùng là trốn tránh những trải nghiệm.
Quyền được làm trẻ em
Những đứa trẻ đã quen với việc mọi thứ diễn ra theo cách của cha mẹ chúng có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong tương lai khi chúng nhận ra rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách đó. Chúng thậm chí có thể cảm thấy chúng xứng đáng nhận được những thứ mà chúng không được nhận. Hơn nữa, vấn đề này sẽ dễ gây nhầm lẫn nếu trẻ luôn bị thúc đẩy bởi phần thưởng hơn là sự hài lòng của bản thân.
Nên để trẻ tự lập thế nào?
Những thế hệ trước có rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ như vô tư đạp xe hay chơi bài với những đứa trẻ khác trong khu phố mà không có phụ huynh "kè kè" bên cạnh. Nhưng ngày nay, mọi thứ thay đổi với những lo lắng của phụ huynh.
Nhìn chung, để con tự lập khi ở ngoài có thể là thách thức lớn với nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, Anne Marie Albano, giám đốc một bệnh viện về tâm lý ở New York, nhắc nhở phụ huynh rằng, mục tiêu cuối cùng là để con cái tự lập khi rời nhà vào đại học hoặc đi làm.
Bà và các cộng sự đã đưa ra danh sách các cột mốc mà thanh thiếu niên nên vượt qua trước khi tốt nghiệp trung học, bao gồm việc như gặp bác sĩ mà không có cha mẹ đi cùng và tự thức dậy vào buổi sáng.
Đừng để con bạn trở nên "khác thường" so với bạn bè đồng trang lứa
Cha mẹ phải học cách đối phó với sự lo lắng của mình. Tất nhiên, khi trẻ em thử làm thứ gì đó một mình, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chúng có thể lên nhầm chuyến xe hoặc không học bài. Những chuyện như vậy khiến cha mẹ càng lo lắng và khó để con làm việc một mình.
Đồng quan điểm, Alan E. Kazdin, giáo sư tâm lý tại Đại học Yale, Mỹ, khuyên phụ huynh nên khuyến khích con độc lập từ tình huống nhỏ như làm bài tập về nhà một mình, nấu ăn hoặc chọn món quà cho bạn.
"Trẻ cần những kỹ năng này và ý thức tự lập khi trở thành người lớn", Kazdin nói. Ông gợi ý phụ huynh nên khen ngợi con nhiệt tình khi chúng thử làm những việc đó. Cha mẹ cũng nên đưa ra thử thách cho trẻ thay vì ép chúng làm việc gì đó. Tuy nhiên, nếu kết quả không như mong đợi, họ cũng không nên mắng hoặc phạt con mình.
Trong khi đó, TS Sachs khuyến khích phụ huynh cùng con đưa ra quyết định. Điều này giúp trẻ phát triển nhận thức bởi chúng phải suy nghĩ chứ không phải chỉ hành động.
TS Berry cho rằng không bao giờ là quá sớm để trẻ học tự lập. Trẻ 2-3 tuổi có thể bắt đầu giúp việc nhà, như bê đĩa ra bàn và bỏ quần áo vào giỏ. Hầu hết bé 8 tuổi có thể đánh trứng trong khi 10 tuổi có thể dùng dao làm bếp. Cha mẹ trước tiên hãy dạy những kỹ thuật giúp chúng an toàn, sau đó hỗ trợ và theo dõi hoạt động trước khi để con làm một mình.
Joseph F. Hagan Jr., giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Vermont, nhấn mạnh: "Một phần của việc tự lập là đưa ra quyết định của riêng mình, bao gồm cả quyết định đúng và quyết định sai".