Với mục tiêu đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 nhằm giải quyết xung đột giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông, ngày 2/10/2020 dự án hầm chui Lê Văn Lương đã được khởi công với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng.
Dự án có thiết kế xây dựng một hầm chui bê tông cốt thép trực thông theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại. Tổng chiều dài hầm 475m, trong đó hầm kín dài 95m; hầm hở, tường chắn và gờ chắn ở hai đầu dài 380m (mỗi phía 190m). Mặt cắt ngang mỗi bên hầm bề rộng 7,75m (tương đương 2 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn).
Các nhà thầu thi công chính gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - Công ty cổ phần Fecon - Cty cổ phần thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng; Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển năng lượng và hạ tầng Việt Nam…
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cắt băng thông hầm.
Ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, trong quá trình triển khai dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau 2 năm thi công nỗ lực, đến nay hầm Lê Văn Lương đã hoàn thành, thông xe đúng vào dịp thành phố chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Xe lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại biểu thông xe qua hầm.
Tại buổi lễ thông xe, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Ngã tư Lê Văn Lương - Vành đai 3 là nút giao có lưu phương tiện đông, tình hình giao thông phức tạp, việc triển khai thi công hầm chui có vai trò và ý nghĩa to lớn, do vậy công trình thuộc danh sách các công trình trọng điểm của thành phố.
Việc chủ đầu tư và các đơn vị thi công đưa dự án vào sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị và thời gian yêu cầu đã giúp nút giao giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường và thời gian chờ đợi thông qua nút của người dân.
Hầm chui Lê Văn Lương có nhiệm vụ giải quyết ùn tắc tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3
Để công trình phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư và phục vụ tốt nhất cho giao thông đi lại của nhân dân, ông Tuấn yêu cầu: Sở GTVT; Sở Xây dựng; Sở Công Thương; UBND các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận bàn giao các hạng mục đã hoàn thành và đủ điều kiện để đưa vào quản lý duy tu, duy trì; Sở GTVT có phương án tổ chức giao thông phù hợp, hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc.