Tài chính

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng sẽ ra sao?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ không còn áp dụng Thông tư 02 sau khi hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024. Thông tư này, được triển khai từ tháng 5/2023, giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Theo báo cáo của CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investors Service - VIS Rating) tác động đến chất lượng tài sản của các ngân hàng khi Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có thể kiểm soát được trong năm 2025.

Tình hình nợ có vấn đề không được dự báo là nghiêm trọng, nhờ vào việc tốc độ hình thành nợ xấu đã chậm lại khi dòng tiền của khách hàng cải thiện trong suốt năm 2024, phản ánh xu hướng tích cực của nền kinh tế và điều kiện kinh doanh ổn định.

Theo báo cáo, tổng nợ có vấn đề của ngành ngân hàng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC) duy trì ổn định ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến tháng 6 năm 2024. So với giai đoạn 2022-2023, tỷ lệ này đã ổn định sau khi tăng mạnh 2,7 điểm % trong giai đoạn trước. Cùng với đó, tổng nợ gốc được cơ cấu lại toàn ngành giảm xuống còn 0,9% tổng tín dụng toàn ngành, từ mức 1,2% của cuối năm 2023.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tăng 8,6% so với đầu năm, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022. 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng cho thấy số dư nợ xấu tiếp tục tăng 27,9% so với cuối năm 2023 lên mức 259.186 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,3%. 

 (Ảnh: VIS Rating)

Các chuyên gia VIS Rating nhận định trong ba quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn của các ngân hàng đã chậm lại, phản ánh sự cải thiện đáng kể trong dòng tiền của khách hàng.

Khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng đối với các khoản nợ tái cơ cấu. Theo phân tích của nhóm chuyên gia, tác động lên kết quả kinh doanh sẽ được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định một số ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao hơn có thể phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, chủ yếu liên quan đến các khách hàng lớn và các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản. Những ngân hàng này vẫn đang gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với các vấn đề pháp lý và nhu cầu thấp đối với một số dự án mới.

Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng phải đối mặt với chi phí tín dụng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ đã có kế hoạch giảm rủi ro cho vay để giải quyết vấn đề về chất lượng tài sản, điều này có thể tiếp tục tạo áp lực lên biên lãi ròng trong thời gian tới.

(Ảnh: VIS Rating)

Đánh giá về việc Thông tư 02 hết hiệu lực, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng đồng quan điểm rằng, việc này không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng. 

BSC phân tích, dư nợ tái cơ cấu Thông tư 02 chiếm tỷ trọng thấp, cuối quý 3/2024 là khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống, trong đó chỉ có 1 số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung như VPBank (2,5%), MSB (1,2%), TPBank (0,8%), còn lại đều nhỏ hơn 0,5%.

Tương tự, theo dự báo của Công ty chứng khoán ACBS cho biết mặc dù nợ xấu toàn ngành vẫn tăng nhẹ trong hai quý liên tiếp, song các chuyên gia phân tích nhận định có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Theo đó, tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý III, thấp hơn trung bình lịch sử là khoảng 0,5%/quý. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 giảm 0,08% trong quý III/2024 và duy trì xu hướng giảm hai quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Hoài Ân, Founder IFSS, cho biết nhiều khả năng nhà điều hành sẽ không tiếp tục gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ các ngân hàng. Theo ông, đây

Đối với những doanh nghiệp không bị dịch chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02, nhưng vẫn trích lập dự phòng, theo đó chi phí trích lập trong hai năm vừa qua vẫn được ghi nhận, do đó nợ xấu không phải tăng một cách đột ngột như thông tư hết hạn. 

"Cái gì tốt sẽ tiếp tục tốt nữa, tận dụng được cái xu hướng vĩ mô, cái gì xấu thì xấu tiếp, Thông tư 02 không gia hạn được xem là một bước hạ màn để cho thị trường bớt đoán, đoán quá thì sẽ đưa một cái "risk premium" vào phần bù rủi ro. Do đó, Thông tư 02 không gia hạn có thể được xem là một dấu hiệu tích cực ", ông Ân nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm