Theo ông Sơn, YEG và KSV đã tăng rất nóng trong giai đoạn vừa rồi. YEG đã tăng khoảng 155% so với đáy (25/10). Với mức tăng giá rất nóng như vậy, YEG đã có phiên chốt lời mạnh và tạo đáy kỹ thuật.
Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) làm trong lĩnh vực truyền thông và có một số show truyền thông nổi tiếng (Anh trai vượt ngàn chông gai) và được Thủ tướng kêu gọi nhân rộng. Yeah1 vừa hưởng lợi về mặt truyền thông và bản thân kết quả kinh doanh của công ty cũng đã tăng trưởng khá rõ trong quý III/2024. Do đó, cổ phiếu đã tăng nóng trong vòng khoảng hơn ba tháng.
Thường một cổ phiếu tăng quá 100% thì sau đó sẽ điều chỉnh rất mạnh. Nhìn về đồ thị, những cổ phiếu có độ dốc rất lớn sau đó sẽ có pha giảm rất mạnh. Nếu nhìn về phân tích kỹ thuật, độ dốc trong pha tăng của YEG lên đến 70 - 80 độ.
Còn về việc cổ phiếu điều chỉnh có phải là cơ hội, cần xem hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có phục hồi và ổn định hay không. Đối với YEG, sau giai đoạn giảm giá mạnh từ 2020 - 2022, YEG có sự thay đổi rất rõ, mô hình kinh doanh khác xa trước, đang cấu trúc lại hoạt động kinh doanh để vượt qua khó khăn. Nhìn về tài chính, 2024 là năm tăng trưởng ghi dấu phục hồi.
Với lợi nhuận kỳ vọng 50 - 60 tỷ đồng trong năm nay, P/E đang khoảng 37 - 40 lần thì câu chuyện lạc quan đã phản ánh vào giá. Với định giá như vậy, ông Sơn cho rằng YEG không phải cơ hội cho giai đoạn xa hơn.
Còn Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Mã: KSV) là câu chuyện ngược lại khi công ty có nội tại tốt. Công ty có thế mạnh về quyền khai thác mỏ đồng Sin Quyền lớn nhất tại Việt Nam. Quyền khai thác mỏ đã mang lại bức tranh kinh doanh ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, công ty cũng đang quản lý mỏ Đông Pao, dự trữ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc có thể là yếu tố đẩy giá đất hiếm lên cao trong tương lai.
Vì vậy, KSV có thể được coi là cổ phiếu ngách, nằm trong lĩnh vực đặc biệt và có lợi thế đặc thù. Trong năm 2024, công ty có thể đạt hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đang trở lại giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận tốt.
EPS trong năm 2024 có thể đạt trên 4.000 đồng/cp. Còn P/E hiện tại đang ở mức 28 lần nhưng P/E trailing có thể từ 20 - 23 lần. Do đó, KSV vẫn là một cơ hội đặc biệt.
Nhìn lại năm 2024, một số nhóm cổ phiếu như bán lẻ, Viettel đã có đà tăng rất mạnh mẽ nhờ có câu chuyện riêng. Theo đó, cổ phiếu KSV sẽ là cổ phiếu tương tự nhờ yếu tố, lợi thế riêng có.
Triển vọng của thị trường chứng khoán
Bàn về triển vọng chung, ông Sơn nêu Top 10 công ty chứng khoán đều nhìn nhận dưới góc nhìn rất tích cực. Nếu tính bình quân, VN-Index được kỳ vọng đạt từ 1.420 đến 1.450 điểm vào cuối năm 2025.
Theo quan điểm của VPBankS, VN-Index đến cuối năm có thể đạt từ 1.400 đến 1.420 điểm. Trong kịch bản của VPBankS, nhiễu động sẽ tiếp tục kéo dài từ năm trước. Thời điểm tích cực sẽ kéo dài về nửa cuối 2025, chứ không phải giai đoạn hiện tại.
Trong nhịp sắp tới, với yếu tố khó lường từ việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (hai lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.
Nhà đầu tư ngoại có thể không bán mạnh như năm 2024, nhưng lực bán vẫn là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của VN-Index trong 2025. Trong nửa đầu năm, biên dao động chính của VN-Index mà VPBankS đang dự báo sẽ xoay quanh 1.200 - 1.300 điểm.
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng 5. Tháng 5 thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế “Sell in May” do trũng thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý I. Thị trường sẽ tích cực dần trong tháng 8 - 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.
“Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.
Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực. Giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để giải ngân. Nhà đầu tư chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu đáng kể”, ông Sơn nhận định.