Hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) đang có kế hoạch triển khai sử dụng các tàu không carbon vào năm tới. Tuy nhiên, việc đảm bảo nhiên liệu cho các tàu thế hệ tiếp theo này đang đặt ra những thách thức riêng.
Công ty có 13 tàu Hyundai Heavy Industries chạy bằng methanol xanh, được xem là thân thiện với môi trường hơn nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ qua. Đây là một phần trong kế hoạch của Maersk nhằm giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2040. Thách thức đang đặt ra là để các tàu hoạt động hoàn toàn với nhiên liệu xanh. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, công ty ký kết hợp tác với 6 nhà phát triển năng lượng trên toàn cầu để tăng cường sản xuất methanol xanh.
Đối thủ của Maersk là CMA CGM cũng đang theo đuổi con đường tương tự và gần đây, họ thông báo mua 6 tàu chạy bằng methanol. Một phát ngôn viên nói của CMA CGM chia sẻ với CNBC, công ty cam kết sử dụng nhiên liệu thay thế như biomethane, bao phủ ít nhất 10% lượng tiêu thụ của tàu vào năm 2023. Hiện, ngành vận tải biển chiếm gần 3% lượng khí thải trên thế giới.
Ông Faig Abbasov, Giám đốc vận chuyển của Transport & Environment cho biết, bài toán khó của ngành vận tải biển đang phải đối mặt tương tự thời kỳ đầu của ôtô điện. Ông cũng giải thích, nhiều ngành công nghiệp đã đặt ra các mục tiêu về khử carbon hoặc đạt đến mức phát thải ròng nhưng đó vẫn là một mục tiêu "viển vông".
Bên cạnh đó, ông Bryan Comer, thành viên Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch chia sẻ trên CNBC: "Hiện tại, không có cách để nhiên liệu xanh có thể cạnh tranh về giá với nhiên liệu hóa thạch. Các quy định khu vực sẽ thúc đẩy các quốc gia khác làm theo châu Âu như Mỹ, châu Á và cuối cùng là ở cấp Tổ chức Hàng hải Quốc tế (Liên Hợp Quốc)".
Theo các chuyên gia, Maersk đã đạt được mục tiêu về methanol xanh nhưng không có sự đồng bộ về lâu dài. "Một giải pháp thay thế khác được chúng tôi xem xét là ammoniac – một chất được xem là nguồn nhiên liệu lớn cho tương lai. Tuy nhiên, đây là một chất khí nên việc xử lý phức tạp, tốn kém, rất độc hại cho con người và môi trường biển. Do đó, độ an toàn của ammoniac đối với tàu cũng là vấn đề lớn", ông Christiansen người đứng đầu bộ phận khử carbon của Maersk nói rõ.
Trong khi đó, ông Comer cho biết hydro xanh là nhiên liệu thay thế được ông kỳ vọng nhất nhưng điều đó cũng đưa ra những thách thức riêng. "Để chứa đủ lượng hydro trên tàu, gần như chắc chắn nó phải ở trạng thái hóa lỏng nên ban đầu hydro phải rất lạnh, sau đó phải được bảo quản trong các thùng cách nhiệt", ông giải thích.
Không chỉ vấn đề đóng tàu và tìm nguồn nhiên liệu, cơ sở hạ tầng trên đất liền để tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng cũng đòi hỏi sự đầu tư đáng kể nếu ngành công nghiệp này đáp ứng được tham vọng khử carbon. "Chúng tôi sẽ cần sử dụng một loạt các công nghệ để giải quyết vấn đề này", ông Christiansen nói.
(theo CNBC)