Theo đó, một nửa số người trên 30 tuổi tại Thái Lan đều mắc nợ và 20% trong số đó không có khả năng để thanh toán toàn bộ số nợ của mình.
Báo Bangkok Post cho biết, hầu hết các hộ gia đình ở Thái Lan có thu nhập trung bình hàng tháng chỉ 10.000 Baht, tức gần 6,5 triệu VNĐ, trong khi nhu cầu chi tiêu tối thiểu đã ở mức 12.000 Baht. Do đó, những hộ gia đình này phải đi vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng ở Thái Lan để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Tỷ lệ nợ của Thái Lan thuộc top cao nhất châu Á. Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan, nợ hộ gia đình của Thái Lan đạt mức 14.500 tỷ Baht, tức khoảng 400 tỷ USD vào năm 2021. Các khoản vay chủ yếu tập trung vào việc thế chấp nhà, cho vay kinh doanh và cho thuê ô tô hoặc xe máy.
Bà Pavida Pananond - Giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat cho biết, Thái Lan gặp một vài trở ngại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ gia đình, khiến người dân khó trả nợ hơn.
Nhiều người Thái Lan đã mắc nợ từ khi còn trẻ hoặc mới bắt đầu sự nghiệp. Thời điểm này, thu nhập của họ chưa ổn định và không thể giúp họ trả khoản nợ đã vay trước đó, chủ yếu phát sinh từ chi phí sinh hoạt, thuê nhà, vay kinh doanh; nợ từ thẻ tín dụng, mua nhà và xe.
Vấn đề nợ ở Thái Lan càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến một vòng luẩn quẩn: Kiếm tiền nhưng thu nhập ít ỏi - trả nợ xong thì hết tiền tiêu - đi vay trước thẻ tín dụng hoặc vay nặng lãi để chi tiêu chờ đến kỳ lương tiếp theo.