Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 91 dự án được hoàn thành với quy mô 18.206 căn hộ nhà ở thương mại.
Từ giai đoạn giữa quý III đến cuối năm 2022, tình hình giao dịch bất động sản có dấu hiệu khó khăn, lượng giao dịch giảm và kéo dài sang đầu năm nay. Tình hình giao dịch trên thị trường từ đầu năm đến nay khá ảm đạm, lượng giao dịch ít, đặc biệt đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng gần như không có thanh khoản.
Theo cơ quan này, nguyên nhân bởi nguồn vốn vào thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay, áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, sức mua thị trường giảm sút, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực theo tình hình chung của thế giới.
Bộ Tài chính cho biết, thị trường bất động sản quý I/2023 trong trạng thái trầm lắng, cùng với trùng Tết Nguyên đán dẫn đến giá bất động sản bình quân cả quý đối với toàn bộ phân khúc và loại hình bất động sản đều có xu hướng giảm.
Trong đó, giá bán bình quân căn hộ chung cư chưa giảm nhiều nhưng giá bình quân nhà ở riêng lẻ và đất nền tại các địa phương có xu hướng giảm mạnh hơn (giảm 4-8% so với quý trước). Giá bất động sản cho thuê trong quý I tại các địa phương giảm nhẹ so với quý IV/2022.
"Giá giảm nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, đất nền. Giá nhà ở, đất nền tại khu vực Hà Nội và TP HCM cũng có xu hướng giảm nhưng mức độ giảm thấp hơn ở các địa phương khác, mặt bằng giá hiện vẫn ở mức cao", báo cáo cho biết.
Bộ Tài chính đưa ra dự báo thận trọng đối thị trường bất động sản trong thời gian tới (quý II - quý III năm nay) đó là thị trường sẽ vẫn tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, thị trường Bất động sản quý đầu năm nay đang có tín hiệu tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ.
Nhiều chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục đưa ra để tái cơ cấu cho nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước đang tích cực triển khai và hỗ trợ thông qua các chính sách điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam, tránh chồng chéo trong các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành cụ thể Nghị quyết về gói ưu đãi này, bao gồm về tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này", vị này nói.
Theo ông Đính, việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tại nền kinh tế và nguồn lực doanh nghiệp, cùng với đó là cấu trúc lại các dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho doanh nghiệp.
Với sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng,… chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý III/2023.