Anh Hà Phạm Công Phú (42 tuổi, quê ở Phú Thọ), bắt đầu làm nghề in con dấu nghệ thuật vào năm 30 tuổi và đến nay đã hành nghề được 12 năm. (Ảnh: Hằng Hương)
Anh Phú chia sẻ rằng trước đây anh làm nghề xây dựng nhưng sau đó chọn nghề này bởi vì yêu thích sự tỉ mỉ, muốn tự tay điêu khắc ra những sản phẩm với hình ảnh độc đáo. (Ảnh: Hằng Hương)
Con dấu này có công dụng giống như 1 chữ ký riêng của người sử dụng nó. Quá trình làm ra một sản phẩm cần sự chăm chút và khéo léo trong từng công đoạn. Với những con dấu có hình vẽ phức tạp như mặt người hay địa danh thì anh thường khắc trong vòng 30-40 phút, còn với con dấu đã có mẫu sẵn anh chỉ mất 10-15phút là hoàn thành.
Thông thường khách sẽ đưa cho anh logo có sẵn hoặc hình ảnh của mình. Nhiều du khách muốn lưu giữ phong cảnh văn hóa Việt Nam nên chọn hình ảnh cây tre, hoa sen, đường làng,… Một số logo hoặc hình ảnh đơn giản thì anh sẽ tự vẽ lại. (Ảnh: Hằng Hương)
Loại gỗ anh chọn là gỗ mực chuyên về làm dấu vì loại này dai, đàn hồi và bền có thể sử dụng được tới 20 năm. Sau khi mua về anh mài nhẵn và in hình vẽ ra phôi. (Ảnh: Hằng Hương)
Tiếp theo là đến công đoạn khắc, đây là phần khó nhất trong quá trình hình thành con dấu. Anh Phú chia sẻ lúc này cần sự tập trung cao độ để đảm bảo tính chính xác trong từng chi tiết của sản phẩm. (Ảnh: Hằng Hương)
Sau khi sản phẩm đã thành hình, anh sẽ gọt những phần gỗ còn thừa xung quanh và tiếp tục mài nhẵn con dấu cho đến khi hoàn thiện. (Ảnh: Hằng Hương)
Mỗi con dấu được chạm khắc với 2 nét chính là nét khắc nổi và nét khắc chìm. (Ảnh: Hằng Hương)
Khi làm xong, khách về muốn in loại mực nào cũng được, còn anh thường sử dụng loại mực dấu đỏ thông thường. (Ảnh: Hằng Hương)
“Làm công việc này anh cảm thấy không quá vất vả, bản thân đam mê là mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng. Chỉ đôi khi, anh bị đau nhức ở tay và lưng vì phải ngồi liên tục trong nhiều giờ làm việc”, anh bộc bạch. (Ảnh: Hằng Hương)
Anh Phú tâm sự: “Khách ghé quán chủ yếu là người nước ngoài, khách Việt Nam có nhưng ít. Nhiều du khách biết đến anh thông qua kênh tik tok. Ngày thường anh làm ra khoảng 5-6 sản phẩm. Vào dịp lễ hội hay cuối tuần, khách đông anh sẽ khắc được. Anh còn bán online theo đơn đặt hàng từ nhiều nước, phần lớn từ Hàn Quốc và Nhật Bản,…”. (Ảnh: Hằng Hương)
Chỉ cần một bức ảnh chân dung của khách, trong chốc lát anh đã “truyền thần” lên mặt con dấu gỗ nhỏ xinh, giống hệt với người bên ngoài. Du khách thích thú về nước mang theo món quà kỷ niệm độc lạ, có thể in ra tặng người thân, bạn bè. (Ảnh: Hằng Hương)
Với sự tận tâm trong công việc, anh đã biến hóa những mẩu gỗ vô hồn thành đủ loại hình thù từ con người, con vật, cung hoàng đạo tới các địa danh nổi tiếng.… mà khách hàng yêu cầu. Đây cũng là lý do giúp tiệm anh Phú chiếm được vị trí trong lòng khách hàng. (Ảnh: Hằng Hương)
Các dụng cụ anh sử dụng để làm con dấu bao gồm hai cái đục, cối, dao khắc,… Những vật này đã theo anh từ lúc mới bước vào nghề đến nay. Tất cả đều do anh tự chế, bởi bên ngoài không ai bán. (Ảnh: Hằng Hương)