Lãi suất tiếp tục tăng, thanh khoản sẽ giảm
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn lại đúng lúc lãi suất đang có xu hướng tăng càng khiến thị trường khó chồng thêm khó. Giai đoạn 2011 - 2013, lạm phát tăng cao, kéo theo lãi suất được đẩy lên quanh vùng 20% khiến không ít nhà đầu tư bất động sản phải bán tháo vì không chịu nổi áp lực lãi suất. Thị trường khi đó thanh khoản sụt giảm mạnh, rồi rơi vào trầm lắng.
Anh Trần Vĩnh, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, năm 2021, lãi suất ngân hàng xuống mức thấp, anh đã không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng để đầu tư bất động sản. Mảnh đất anh Vĩnh mua khi đó có diện tích 97m2, tại Thanh Oai (Hà Nội) với mức giá 3 tỷ đồng, trong đó, 2 tỷ đồng là anh vay ngân hàng.
“Thời điểm tôi mua, lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 6,69%/năm, đến nay đã hết ưu đãi và thả nổi theo thị trường nên đã lên đến 10,5%/năm. Tuy nhiên, tôi thấy con số này vẫn chưa dừng lại và đang có xu hướng tăng lên. Bây giờ đất chưa bán được nhưng tiền lãi vẫn phải trả đều, có khi tôi phải cắt lỗ để giảm áp lực”, người này nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại sẽ không rớt thảm như giai đoạn 10 năm trước, bởi sự điều tiết của nhà nước đã nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc lãi suất tiếp tục tăng là điều có thể xảy ra, theo đó, việc cắt lỗ bất động sản là điều khó tránh khỏi.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và sang cả năm sau do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, với kịch bản lạm phát tăng 3%, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động, dự kiến tăng từ 0,4 - 0,7%.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư tại Hà Nội đã có 12 năm kinh nghiệm về bất động sản, thị trường sẽ chỉ sôi động khi lãi suất ở mức thấp và giữ ổn định. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, tín dụng bất động sản có phần thắt chặt, cùng đó là động thái tăng lãi suất khiến thị trường bất động sản trầm lắng.
“Mặc dù, lãi suất chưa tăng quá cao nhưng thị trường đã sụt giảm thanh khoản mạnh, nếu như lãi suất tiếp tục tăng thị trường đã khó sẽ còn khó hơn nữa. Theo tôi, nếu lãi suất tăng cao đa phần mọi người sẽ đem tiền gửi tiết kiệm, không ai nghĩ đến chuyện đi mua bất động sản, thanh khoản thị trường sẽ sụt giảm thêm”, nhà đầu tư này nói.
Tung khuyến mãi khủng để kích thích thanh khoản
Trước áp lực thanh khoản, không ít chủ đầu tư đã ra sức “chiều khách”, liên tục tung những ưu đãi khủng để kích cầu như: Thanh toán lần đầu với số tiền nhỏ, ân hạn gốc đến 2 năm và hỗ trợ lãi suất 0% đến 48 tháng; hay có dự án cam kết thuê lại với mức giá cao; hỗ trợ vay ngân hàng với mức lãi suất cố định, chủ đầu tư sẽ bù khoản lãi chênh lệch; chiết khấu lên đến 40% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 98%. Thậm chí, có chủ đầu tư cam kết sẽ mua lại bất động sản của khách hàng với lợi nhuận 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng, tương đương 13,3%/năm.
Theo anh Thanh Tùng, Giám đốc văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội, hiện người bán nhiều hơn người mua, nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn giảm giá bán nên đã tăng mạnh các khuyến mãi, chiết khấu cao nhằm thuyết phục người mua trong thời điểm này.