TS.BS. Lê Nguyên Vũ, phó giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thăm khám cho bác sĩ Giàng A Sang - Ảnh: D.LIỄU
Trải qua cuộc đại phẫu ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bác sĩ Giàng A Sang (33 tuổi, dân tộc Mông, ở Sa Pa, Lào Cai) đã tự đi lại, sức khỏe dần hồi phục. Anh vui mừng cho biết nếu tình hình tiến triển tốt, đầu tuần sau bác sĩ sẽ cho anh xuất viện.
Ba ngày chạy thận cho bệnh nhân, ba ngày chạy thận cho chính mình
Năm 2015, hoàn thành xong chương trình học, anh Sang được phân về công tác tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với ước mong được giúp đỡ những người dân quê hương mình.
Nhưng chỉ sau hai năm làm việc tại bệnh viện, anh nhận thấy cơ thể bị phù nề, mệt mỏi, kiểm tra xét nghiệm phát hiện mắc hội chứng thận hư kèm theo suy thận. Mặc dù đã cố gắng điều trị nhưng bệnh không tiến triển mà ngày một nặng hơn.
"Lúc ấy rất buồn, chán nản vì mình là bác sĩ mới ra trường, còn rất nhiều dự định dở dang. Nhưng sau này xuống bệnh viện lớn, thấy mọi người bị bệnh này nhiều lắm nên suy nghĩ của mình thoáng hơn, mình dần dần lấy lại tinh thần" - bác sĩ Sang nhớ lại.
Thời điểm đó Bệnh viện Sa Pa chưa có đơn vị chạy thận nhân tạo, trong khi huyện có khoảng 20 bệnh nhân đang phải chạy thận tại bệnh viện tỉnh.
Được giao nhiệm vụ đi học thêm về kỹ thuật chạy thận nhân tạo và lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai, xây dựng trung tâm chạy thận tại viện, anh Sang quyết tâm khăn gói xuống thủ đô học tập.
Hồi còn đi học, bác sĩ Sang học chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, nhưng sau khi bị bệnh, anh càng quyết tâm học hỏi về kỹ thuật chạy thận nhân tạo và lọc máu để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Cuối 2019, Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa ra mắt Khoa Thận nhân tạo và giao cho bác sĩ Sang phụ trách. Kể từ ngày đó cứ vào các ngày 2 - 4 - 6 trong tuần, anh trực tiếp điều trị, lọc máu cho các bệnh nhân suy thận mạn tại khoa.
Còn ba ngày thứ 3 - 5 - 7, anh đến bệnh viện để... lọc máu cho chính mình.
"Sức khỏe chỉ còn 3 phần, nhiều lúc cũng mệt đấy vì vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa điều trị cho chính mình. Nhưng mình nghĩ có lẽ cũng là điều may mắn khi đồng bệnh với bệnh nhân, nhờ đó mình hiểu và chia sẻ với bệnh nhân nhiều hơn" - bác sĩ Sang giãi bày.
Cánh tay bác sĩ Giàng A Sang sau thời gian chạy thận kéo dài - Ảnh: D.LIỄU
Ở Sa Pa, khó khăn nhất là làm thế nào để vận động bà con đi chạy thận do phong tục của đồng bào dân tộc thường chữa trị bằng các bài thuốc dân gian. Bác sĩ người Mông nhớ lại những ngày đầu hễ nhắc đến chạy thận là bà con sợ không dám đi, thậm chí còn bỏ chạy khi nhìn thấy máy chạy thận.
Cùng cảnh với bệnh nhân, anh kiên trì giải thích, động viên, tư vấn vì thấu hiểu được những nỗi đau đớn và khổ tâm của người bệnh đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật.
"Người ta nói chạy thận cũng chết, mà không chạy cũng chết, nhà nghèo không ai muốn chạy thận đâu. Mình phải đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu. Mình nói với bà con rằng mình là bác sĩ, mình cũng bị bệnh, mình cũng chạy thận như bà con, do đó bà con tin tưởng và không sợ chạy thận nữa" - anh Sang bộc bạch.
Giúp người để trả ơn người
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương bác sĩ ít ỏi không đủ để trang trải chi phí điều trị, đã có lúc anh Sang nghĩ đến việc buông xuôi. Nhưng nghĩ đến vợ và hai con, nghĩ đến sự động viên của các thầy và cả những lúc được bệnh nhân động viên, anh vực dậy tinh thần, tiếp tục chiến đấu.
Vợ anh Sang - chị Lù Thị Sú thay chồng cáng đáng hết mọi việc nặng trong nhà, chăm sóc hai con. Thế nhưng khó khăn tiếp tục ập đến khi không chỉ chồng mà con gái chị cũng bị chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận và phải điều trị ở bệnh viện.
Những ngày này chăm sóc chồng ở bệnh viện, hễ ai hỏi hoàn cảnh thì chị Sú bật khóc nức nở. "Thương chồng lắm, không có các thầy ủng hộ chắc chồng mình không có cơ hội thế này. Cảm ơn các thầy, cảm ơn người đã giúp chồng mình có thận khỏe mạnh" - chị Sú bày tỏ.
Chị Lù Thị Sú (vợ anh Sang) xúc động khi nhắc lại hành trình điều trị của chồng - Ảnh: D.LIỄU
Còn anh Sang nhớ mãi cuộc điện thoại từ Hà Nội ít ngày trước gọi đến báo có thể ghép thận, lúc đó vợ chồng anh đang ở ngoài ruộng chuẩn bị đập lúa, hai vợ chồng tức tốc bỏ dở công việc, khăn gói xuống Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.
"Đến bây giờ mình vẫn mong mỏi làm sao biết được thông tin người đã hiến thận cho mình. Trong thâm tâm chỉ biết cảm ơn người đã giúp mình thay đổi cuộc sống. Giờ đây tôi khỏe hơn, có lại cảm giác như người bình thường, sắp tới mình sẽ về lại bệnh viện tiếp tục công tác giúp đỡ bà con đồng bào, giúp họ hiểu biết hơn về căn bệnh này" – bác sĩ Sang bày tỏ.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia, cơ duyên đến khi bác sĩ Sang đến lượt trong danh sách chờ ghép thận, người hiến thận là một người phụ nữ đã chết não và câu chuyện hiến tặng cũng hết sức bi thương. Nhưng khi Sang được gọi, xuống đến bệnh viện thì bác sĩ người Mông mới ngớ ra là không đủ tiền đóng viện phí cho ca ghép.
Vậy là lãnh đạo Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia và các bác sĩ cuống quýt đi xin tiền, và cũng vù một cái họ đã xin đủ tiền. Chuyện này được nói riêng ở dưới đây.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS.BS. Lê Nguyên Vũ, phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, người trực tiếp tiến hành ca ghép thận cho bác sĩ Sang cho biết, vừa qua có bệnh nhân chết não cùng nhóm máu với bác sĩ Sang, có thận phù hợp nên bệnh viện đã tiến hành thành công ca ghép thận cho bác sĩ Sang.
Bác sĩ Vũ cho biết bác sĩ Sang bệnh nhân đặc biệt, vừa ở vai trò điều trị cho bệnh nhân, vừa điều trị cho chính mình. Khá may mắn vì bản thân anh Sang công tác ở chuyên khoa thận nên thường xuyên theo dõi các chỉ số của bản thân, giữ chỉ số trong giới hạn để đáp ứng ca phẫu thuật ghép tạng.
"Chúng tôi mong rằng sau khi khỏe lại, chính anh Sang sẽ lan tỏa câu chuyện của mình đến cho bệnh nhân, đem kiến thức, chuyên môn của mình để giúp đỡ cho bản làng, cộng đồng ở khu vực đó" - bác sĩ Vũ nói.
Những bàn tay chung sức
Là người đồng hành với bác sĩ Sang trong thời gian qua, ông Phạm Lê Trung - giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết khi bác sĩ Sang đến giai đoạn phải chạy thận, anh vẫn cố gắng tiếp tục công việc, vừa chạy thận cho bệnh nhân, vừa chạy thận cho chính bản thân mình.
Tháng 9 vừa qua anh Sang đã nhận được thận hiến tặng và ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
"Ngày hôm ấy, tôi là người trực tiếp đưa Sang xuống nhập viện để chờ phẫu thuật. Sau khi làm xong hết các thủ tục cần thiết, khi đóng viện phí thì số tiền quá lớn. Mặc dù trước đó, bệnh viện cũng đã huy động quyên góp cho bác sĩ Sang nhưng số tiền quyên góp được chỉ đủ gần một nữa số viện phí. Viện phí phẫu thuật cho sang là khoảng 550 triệu đồng.
Tôi động viên Sang cứ an tâm điều trị, còn chi phí sẽ tiếp tục kêu gọi. Sau đó, tôi có gọi điện cho các anh ở Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và nói về những khó khăn của Sang như vậy.
Từ trưa hôm đó cho đến 14h, số tiền quyên góp được đã đủ để chi trả chi phí phẫu thuật cho Sang. Nhờ cộng đồng quan tâm, một bác sĩ của chúng tôi mới có cơ hội điều trị" - ông Trung nói.