Doanh nghiệp lãi lớn, cổ phiếu tăng vọt
Trong bối cảnh thị trường chung lình xình khó đoán vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu ngược dòng bứt phá mạnh. Cổ phiếu TMS của Công ty Cổ phần Transimex cũng thu hút sự chú ý với chuỗi tăng khá ấn tượng trong thời gian gần đây. Chốt phiên 24/3, cổ phiếu TMS đánh dấu phiên tăng trần liên tiếp thứ ba khi cán mốc 111.700 đồng/cp – mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết.
Theo đó, mã này đã tăng gần 25% chỉ sau một tuần, nếu so với mức giá từ đầu năm ngoái TMS đã bứt phá gấp 3,5 lần. Như vậy, cổ phiếu TMS đã chính thức gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số" (cổ phiếu có mức giá trên 100.000 đồng).
Trước những diễn biến tích cực trên, gần đây lãnh đạo TMS cũng có động thái mua vào cổ phiếu. Cụ thể, ông Bùi Minh Tuấn, Thành viên HĐQT đồng thời là em trai Chủ tịch HĐQT Transimex đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 14,49% lên 15,44% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/3 đến 20/4/2022. Trước đó ông Bùi Minh Tuấn cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, song giao dịch không thành công với lý do diễn biến giá chưa phù hợp.
Cùng chiều, bà Hoàng Thị Mỹ Quyên, vợ ông Bùi Minh Tuấn cũng đăng ký mua 300.000 cổ phiếu TMS từ ngày 1/3 đến ngày 28/3. Nếu giao dịch hoàn tất, bà Quyên sẽ nâng sở hữu tại TMS lên 469.157 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,44%.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Transimex tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1983. Đến năm 2000, Công ty chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức CTCP và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Lĩnh vực hoạt động Transimex là dịch vụ logistic tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ logistics tích hợp từ từ giao nhận hàng hóa, vận tải trên đất liền và đường biển đến kho bãi, trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD).
Song hành với đà tăng của cổ phiếu, kết quả kinh doanh của Transimex khá tích cực khi lợi nhuận liên tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn qua các năm. Năm 2021, doanh thu thuần của TMS đạt 6.429 tỷ đồng tăng 88% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp tăng 79%, đạt 548 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng gấp 3 lần lên 136 tỷ đồng. Đáng chú ý hoạt động liên doanh liên kết thu lãi tới 366 tỷ đồng cao gấp 2,1 lần cùng kỳ. Tuy các chi phí cũng đồng loạt tăng mạnh, song TMS vẫn báo lãi sau thuế đạt 683 tỷ đồng, tăng 112% so với năm 2020, trong đó LNST công ty mẹ là 632 tỷ đồng – Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Transimex tăng 46% lên 5.710 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên 2.567 tỷ đồng, chủ yếu là tăng khoản phải thu ngắn hạn. Bên cạnh đó, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng 36% lên 2.139 tỷ đồng, chủ yếu là tăng khoản vay nợ tài chính dài hạn.
Hưởng lợi trong dài hạn
Theo một Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, Transimex vốn là đại lý vận tải và dịch vụ giao nhận hàng hóa, công ty này là doanh nghiệp hưởng lợi từ mức cước phí vận chuyển cao hiện nay.
Ngoài ra, Transimex cũng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với nhà kho và trung tâm phân phối tại các trung tâm logistics trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và Hưng Yên. Mảng logistics của Việt Nam được đánh giá có tính phân mảng cao nhưng đang phát triển nhanh và hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài.
Bên cạnh những yếu tố hưởng lợi, TMS cũng sở hữu cổ phần giá trị tại các công ty liên kết có triển vọng tích cực, bao gồm CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (CLX) và Công ty TNHH Vận tải Container Hải An (HACT).
VCSC đánh giá mảng logistics của Việt Nam có tính phân mảng cao nhưng đang phát triển nhanh và hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisticss Việt Nam (VLA) dự báo ngành logistics sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 15% hàng năm trong trung hạn, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng không ngừng của lĩnh vực sản xuất và thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam. Lĩnh vực này vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài dù có sự cạnh tranh cao, thể hiện thông qua một số giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) và thành lập các công ty liên doanh.