VN-Index tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư, có lúc trong phiên giảm hơn 6 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tham gia thị trường vẫn chưa đủ để giúp cho VN-Index đóng cửa với sắc xanh. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 4 điểm tương ứng 0,3% và dừng chân tại mốc 1.498 điểm.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 24.809 tỷ đồng, thanh khoản toàn thị trường là 30.461 tỷ đồng, giảm 9,9% so với phiên liền trước. Dòng tiền tăng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, hóa chất, du lịch & giải trí, trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính (chứng khoán).
Áp lực giảm điểm của nhóm vốn hóa lớn VN30 tiếp tục đè nặng lên thị trường chung khi chỉ số này giảm hơn 8 điểm với VHM giảm gần 2%, VCB (-1,7%), GVR (-1,4%) và NVL (-1,2%).
Trái ngược, một số mã cổ phiếu ở nhóm midcap và penny có diễn biến khởi sắc hơn khi đóng cửa với mức trần như UDC, AAA, TDW, VGC, UDC, BCG,… Ngoài ra, nhóm cảng biển cũng ghi nhận mức tăng tích cực như HAH, GMD, DXP, TCL, SGP,…
Tổ chức trong nước rút ròng phiên thứ 3 liên tiếp, tâm điểm FLC
Trong phiên vừa qua, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) bán ròng 336 tỷ đồng, đánh dấu phiên rút vốn thứ ba liên tiếp. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 399 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 9/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có FLC, APH, DXG, GMD, GEX, GAS, VPB, MSN, CII, DGC.
Trong phiên vừa qua, nhóm bất động sản ghi nhận giá trị giao dịch tăng vọt lên 28,5% tổng thị trường. Đây là một trong những nhóm ngành khỏe nhất thị trường trong vòng 2 tuần qua, nhưng tính trong 3 tháng vẫn điều chỉnh giảm, chủ yếu do tác động của cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó có VHM, VIC.
Top cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ như KSF, PXL, NVT, QCG, HQC, SID, IDJ, IJC. Top các mã có giá trị giao dịch cao nhất và tăng điểm là DXG, NVL, CEO, HQC, PDR, NLG, DIG, FLC.
Tương tự, HQC có phiên giao dịch với thanh khoản đạt kỷ lục mới, giá cổ phiếu tăng mạnh 5,7% dù trong phiên cũng có áp lực bán chủ động. HQC là cổ phiếu có câu chuyện có nhóm nhà đầu tư liên quan đến Louis Holding mua hơn 48,8 triệu cổ phiếu tương đương 10% cổ phần và muốn đưa người vào hội đồng quản trị.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngân hàng. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm TPB, HPG, VNM, TCB, NKG, ACB, VRE, MBB, PNJ, NVL.
NĐT cá nhân trở lại mua ròng sau 4 phiên rút vốn
Trong phiên VN-Index tạm rời mốc 1.500 điểm, giao dịch của NĐT cá nhân trở lại đóng vai trò trụ đỡ khi họ là bên mua ròng duy nhất. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 450 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 499,5 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các cổ phiếu: DXG, FLC, APH, VNM, GEX, GMD, HPG, VND, VPB, VHM.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 9/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại ngành hóa chất, ngân hàng. Top bán ròng có: DGC, TPB, VHC, NKG, TCB, VGC, PNJ, HDB, NLG.
Khối ngoại bán ròng hơn 110 tỷ đồng
Sau 3 phiên mua ròng mạnh, khối ngoại nay đã chuyển sang bán ròng với tổng giá trị 114 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 100 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hóa chất, xây dựng và vật liệu. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã: DGC, VHC, VGC, NLG, MSN, LPB, HDB, NKG, PNJ, GAS.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của NĐT ngoại là nhóm bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: DXG, VNM, HPG, VND, VHM, VCI, SSI, DCM, NVL.