Theo Politico, Ủy ban châu Âu (EC) đang mở cuộc điều tra về trào lưu độc hại mang tên "SkinnyTok" cổ xúy việc giảm cân một cách mù quáng và khắc khổ, nhằm đánh giá liệu nền tảng này có thực hiện đủ biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên hay không.
Bộ trưởng Truyền thông số của Pháp, bà Clara Chappaz, gần đây đã báo cáo hashtag #SkinnyTok với Cơ quan quản lý truyền thông Pháp (Arcom) và Ủy ban châu Âu. "Những video này cổ xúy thân hình gầy thái quá. Với tôi, bảo vệ trẻ vị thành niên trên môi trường mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu", bà Chappaz cho biết.
Arcom xác nhận cơ quan này đang phối hợp với EC để đánh giá trào lưu trên, trong bối cảnh "có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng". Một người phát ngôn của Ủy ban cũng cho biết họ đã nắm được vấn đề và "sẵn sàng hợp tác".

Trào lưu độc hại "SkinnyTok" cổ xúy mọi người giảm cân một cách cực đoan, bất chấp hệ lụy tới sức khỏe
Ảnh: VIPERAGP
Hoạt động này nằm trong chuỗi các nỗ lực giám sát TikTok của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có cuộc điều tra đang diễn ra về thuật toán của nền tảng và ảnh hưởng đến người dùng trẻ. EC cũng đang xem xét cách TikTok tuyên truyền, thúc đẩy các nội dung liên quan đến việc khuyến khích hành vi ăn uống nghịch tự nhiên, một động thái cho thấy nhiều biện pháp mạnh hơn có thể sẽ sớm được ban hành.
Chính sách tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này có quy định cấm "hiển thị hoặc cổ xúy hành vi ăn uống trái tự nhiên và giảm cân nguy hiểm", tuy nhiên, những nội dung về "quản lý cân nặng" tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng xấu tới sức khỏe vẫn được phép hiển thị với người dùng trên 18 tuổi và không hiển thị trong mục đề xuất "For You".
Trào lưu độc hại không màng tới sức khỏe người xem
Tìm kiếm từ khóa “SkinnyTok” trên TikTok, người dùng sẽ thấy thông báo hiển thị: "You are more than your weight" (Tạm dịch: Giá trị của bạn không nằm ở cân nặng). Khi bấm vào sẽ hiện ra các đường dẫn tới những nguồn hỗ trợ người gặp chứng rối loạn ăn uống, bao gồm cả Hiệp hội Quốc gia về Rối loạn ăn uống (NEDA).
Tuy nhiên, sau lớp thông báo tích cực đó là hàng nghìn video cổ xúy ăn uống khắt khe, kiểm tra cơ thể và các màn "lột xác" trước - sau. Một bài đăng viết: "Lời khuyên giảm cân không giới hạn", bài khác tuyên bố: "Gầy là một phong cách"... và không thể thiếu câu nói kinh điển: "Không có gì thích bằng cảm giác mình thật gầy".
Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?
Các cộng đồng cổ vũ giảm cân cực đoan và chán ăn đã tồn tại từ lâu trên mạng xã hội. Trong vài năm gần đây, kiểu nội dung này bùng nổ trên TikTok, trùng thời điểm các loại thuốc giảm cân và tâm lý "sợ béo phì" trở nên phổ biến. Nhiều người cho rằng chính những loại thuốc này đã góp phần làm lu mờ trào lưu yêu cơ thể (body positivity) và đưa tiêu chuẩn "gầy là đẹp" trở lại.
Ảnh hưởng của trào lưu độc hại này không chỉ dừng lại trên mạng. Theo một báo cáo từ Trilliant Health, số ca đến khám vì rối loạn ăn uống ở nhóm dưới 17 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua. Từ năm 2018 đến giữa 2022, số lượt khám vì các vấn đề liên quan rối loạn ăn uống tăng 107,4%, riêng với chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) tăng tới 129,26%. Năm 2021, một báo cáo cho thấy Instagram từng thất bại trong việc bảo vệ người dùng dễ tổn thương khỏi các nội dung cổ xúy chán ăn.