Ngày 2/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo đến Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), HAGL Agrico (Mã: HNG) và Pomina (Mã: POM) về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc.
Đại diện Sở này cho biết các cổ phiếu HBC và POM đang thuộc diện kiểm soát theo quyết định ngày 10/4/2023 của sở. Hai doanh nghiệp này đã vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.
Theo đó, phía HOSE lưu ý về việc cổ phiếu HBC và POM có khả năng bị hủy niêm yết nếu tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán (năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp).
Đối với trường hợp của HAGL Agrico, cổ phiếu HNG đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 5/4/2023 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm hơn 1.119 tỷ đồng và năm 2022 âm 3.576 tỷ đồng.
HOSE còn cho biết đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của HAGL Agrico vào ngày 30/1 với khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.050 tỷ đồng và lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 gần 8.054 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan quản lý lưu ý về việc cổ phiếu HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 có kết quả kinh doanh lỗ.
Cả 3 cổ phiếu HBC, POM và HNG đều tăng giá trong 3 tháng gần nhất (tính đến 2/2) với mức lần lượt 25%, 12% và 24%. Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 quý đạt lần lượt 1,5 triệu đơn vị, 1,7 triệu đơn vị và 5,4 triệu đơn vị.
Trước đó, HOSE cũng từng nhắc nhở CTCP Nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD) và CTCP Chiếu xạ An Phú (Mã: APC) về khả năng hủy niêm yết tương tự.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 của NGK Chương Dương ghi nhận mức lỗ sau thuế hơn 119 tỷ đồng và lỗ lũy kế đã vượt hơn 200 tỷ đồng tính đến hết năm 2023. Cổ phiếu SCD trước đó cũng thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát.
Trong khi Chiếu xạ An Phú công bố báo cáo quý IV/2023 với mức lỗ sau thuế gần 36 tỷ đồng và đã là năm thứ 3 liên tiếp có lợi nhuận âm. Mã chứng khoán APC cũng đang trong diện chứng khoán bị kiểm soát.
Theo Điều 120 Nghị định 155, cổ phiếu sẽ bị hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
Hoặc tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp; bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên;
Hoặc tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất...