Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn vào cuối năm chỉ còn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với hồi đầu năm. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, GMC bớt 1.828 việc làm. Như vậy, đã có khoảng 3.775 người bị mất việc ở Garmex Sài Gòn trong hai năm qua.
Cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà doanh nghiệp này lựa chọn để giảm lỗ trong năm 2023. Doanh thu Garmex Sài Gòn chỉ đạt khoảng 8,6 tỷ đồng, giảm gần 35 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân do đơn hàng sụt giảm, chủ yếu là đơn lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Từ quý III/2023, doanh nghiệp này hoàn toàn không có đơn hàng nào. Đã tiết giảm chi phí nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo nói tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến "công ty lỗ rất nhiều". Họ phải tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiệt hại và tiết kiệm chi phí tối đa. Riêng chi phí nhân công giảm đến 6 lần trong năm 2023, chỉ còn hơn 11 tỷ đồng.
Việc cắt giảm lao động đã được GMC tính toán từ trước khi họ trích lập dự phòng trợ cấp mất việc hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022. Nhờ trích lập từ trước, khoản lỗ của công ty trong năm 2023 cải thiện 39% so với cùng kỳ.
Trong phiên họp bất thường cuối tháng 9, công ty từng cho biết với 35 nhân sự, chi phí khoảng 650 triệu đồng mỗi tháng, trung bình mỗi người nhận lương khoảng 18,6 triệu đồng. Ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương từ những tháng đầu năm và sẽ tiếp tục giảm những chi phí hợp lý. Năm qua, doanh nghiệp này không chi thù lao cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường, còn Tổng giám đốc Nguyễn Minh Hằng được nhận lương thưởng gần 950 triệu đồng.
Garmex Sài Gòn hoạt động hơn 20 năm, là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Dự báo sắp tới, ban lãnh đạo công ty này cho rằng ngành dệt may chưa có biến động lớn, tồn kho còn nhiều ở các nước, nhu cầu thị trường Âu - Mỹ chưa tăng trưởng cao, đơn hàng mới còn ít, hàng hóa giá trị thấp. GMC cho rằng phải đợi đến khoảng quý II năm nay mới biết rõ tình hình phục hồi của ngành.
Trước tình hình trên, Garmex Sài Gòn nói chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Khi nhận thấy sự thuận lợi trên thị trường vừa đủ, công ty mới đầu tư khôi phục lại ngành may.
Song song đó, GMC thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa và đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào bất động sản với một dự án nhà ở. GMC cũng bán tài sản không sử dụng.
Công ty này có 5 nhà máy tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam, tổng diện tích hơn 10 ha với 70 dây chuyền sản xuất. Trước dịch, GMC từng tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019. Giai đoạn đó, công ty ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỷ và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng một năm. Ngay cả cao điểm dịch 2021, GMC vẫn có lãi hơn 43 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ lần đầu vào năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu sụt tới 93% so với năm 2021.