10 tháng liên tiếp nóng kỷ lục
Trong một báo cáo của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), 10 tháng qua, Trái đất ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục so với cùng thời điểm những năm trước. Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58oC so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Người dân Philippines ngồi tránh nắng sau tấm barie trên phố (Ảnh: AP)
C3S cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nắng nóng đặc biệt này do khí thải nhà kính mà con người gây ra. Cùng với đó, các yếu tố khác như El Nino cũng làm tăng nhiệt độ. Mặc dù El Nino đã giảm bớt trong tháng 3 nhưng nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao kỷ lục trong bất kỳ tháng nào được C3S ghi nhận. Cùng với đó, nhiệt độ không khí biển vẫn cao bất thường.
Ngoài ra, tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra một số vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi hạn hán ở Nam Phi đã xóa sổ mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.
Thái Lan cảnh báo nắng nóng cực độ, Philippines tạm ngừng giờ học trên lớp
Hiện tượng thời tiết cực đoan gây nắng nóng cực độ và ở mức nguy hiểm cũng được ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Philippines.
Cục Khí tượng Thái Lan cho biết, đến ngày 11/4, áp suất không khí cao từ Trung Quốc sẽ lan xuống phía Bắc Thái Lan và Biển Đông, trong khi gió Đông và Đông Nam sẽ mang hơi nước từ biển đi sâu vào đất liền khiến thời tiết rất nóng. Miền Bắc sẽ là khu vực nóng nhất cả nước, với nhiệt độ tối đa được dự báo là 43oC, trong khi thủ đô Bangkok sẽ có nhiệt độ tối đa là 39oC.
Theo chính phủ Thái Lan cho đến nay, một số khu vực ở nước này có lúc nhiệt độ đã lên tới 44,5oC, đồng thời cảnh báo nắng nóng cực độ tại 21 tỉnh, thành và khuyến cáo người dân không nên ở ngoài trời trong khoảng thời gian dài để tránh bị say nắng.
Trong khi đó, tại Philippines, hàng trăm trường học (nhiều trường ở thủ đô Manila), đã tạm ngừng các buổi học trực tiếp do chỉ số nhiệt ở mức cao nguy hiểm.
Các trường tiểu học và trung học tại Quezon và một số khu vực khác ở thủ đô Manila đã được lệnh cho nghỉ học hoặc chuyển sang học trực tuyến khi thời tiết nắng nóng lên tới 43oC trong tuần qua. Một số trường khác tại Manila phải rút ngắn giờ học để tránh thời gian nóng nhất trong ngày.
Một số chuyên gia thời tiết Philippines dự báo nắng nóng có thể gay gắt hơn ở phần lớn lãnh thổ Philippines trong tháng 4 này (Ảnh: Anadolu Agency)
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Philippines, chỉ số nhiệt từ 42oC - 51oC có thể gây chuột rút và kiệt sức do nhiệt, có thể xảy ra sốc nhiệt nếu thời gian kéo dài. Chỉ số 33oC - 41oC cũng có thể gây chuột rút và kiệt sức do nhiệt.
Quan chức địa phương tại một số khu vực thuộc đảo Mindanao ở miền Nam Philippines cũng yêu cầu các trường học đình chỉ các buổi học trực tiếp hoặc rút ngắn giờ học trong 2 tuần.
Nắng nóng và ẩm tiếp tục là thời tiết chủ đạo ở Philippines trong những ngày tới. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế những hoạt động ngoài, uống nhiều nước và mang theo đồ che nắng như mũ hoặc ô khi ra khỏi nhà.
Người dân Ấn Độ đối phó với nắng nóng cực đoan
Người dân ở nhiều nơi tại Ấn Độ đã phải dùng đến các biện pháp phòng ngừa tình trạng say nắng và cháy nắng khi những đợt nắng nóng cực đoan tấn công nhiều khu vực. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, nhiều vùng trên đất nước có thể ghi nhận 10 đến 20 ngày nắng nóng so với 4 đến 8 ngày ở các tháng khác.
Nắng từ trên trời chiếu xuống, hơi nóng từ mặt đường bốc lên, khiến những người bắt buộc phải ra đường trong thời tiết này không khác đi trong lò lửa. Ô, mũ, quạt che và khẩu trang là những vật bất ly thân. Những quán bán nước ven đường cũng đông khách giải khát hơn.
(Ảnh minh họa: AFP)
Văn phòng thời tiết địa phương ở vùng ven biển Odisha khuyến cáo người dân nên ở trong nhà từ 11h sáng đến 15h chiều. Đây là giờ cao điểm, tình trạng nắng nóng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Thời tiết cực đoan gây mưa đá, lũ lụt ở Trung Quốc
Đầu tháng 4/2024, hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm mưa đá, gió mạnh và mưa lớn đã ảnh hưởng đến 93.000 người ở 9 thành phố của Trung Quốc. Hàng trăm người đã phải sơ tán đến nơi an toàn.
Các quan chức địa phương cho biết, cùng với sấm sét dữ dội, mưa lớn và mưa đá to bằng quả trứng, những cơn bão nghiêm trọng nhất hơn 10 năm qua ở Giang Tây cũng gây thiệt hại kinh tế ước tính 150 triệu Nhân dân tệ (21 triệu USD).
Người dân di chuyển lúc mưa bão ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc hôm 2/4/2024 (Ảnh: AP)
Trong tuần này, mưa lớn cũng gây ra lũ lụt ở nhiều khu vực trũng thấp ở Trung Quốc. Theo chính quyền tỉnh Quảng Đông, nước sông đã tràn vào khiến khu vực này có trận lũ lụt đầu tiên trong năm nay, làm ngập một công viên và các con phố ven sông, đồng thời nhấn chìm ô tô, cây cối và nhà cửa trong nước lũ.
Cục Khí tượng Quảng Đông đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp mức thấp nhất trong hệ thống kiểm soát lũ lụt 4 cấp và cho hay tỉnh này đã bước vào mùa gió mùa sớm hơn mọi năm. Tại Quảng Tây, lực lượng cứu hộ cũng đã giải cứu thành công 11 người bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ.
Nắng nóng kỷ lục và bất thường tại Argentina, Pháp
Cuối tháng 1/2024, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Argentina đã nâng mức báo động đỏ tại 5 tỉnh Buenos Aires, Mendoza, Neuquén, La Pampa và Chubut do nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên tới 40oC. Đáng chú ý, một số khu vực vốn lạnh và nhiều gió thì lại là nơi nắng nóng kỷ lục.
Các cơ quan chức năng cảnh báo nắng nóng có thể làm ảnh hưởng tới những người trong nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính và trẻ em. Giới chức y tế địa phương khuyến cáo người dân không nên ra đường lúc trời nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16h hàng ngày; uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây; sử dụng mũ, kính và thoa kem chống nắng khi ra đường. Tại các vùng có nhiều rừng, nhà chức trách cũng kêu gọi tăng cường giám sát để ngăn ngừa khả năng cháy rừng.
(Ảnh: Buenos Aires Times)
Trong khi đó, nước Pháp cũng chứng kiến thời tiết nắng nóng hơn hẳn mọi năm khi chỉ mới bước vào tháng 4. Người dân Pháp không cần đến áo khoác. Nhiều người thậm chí chỉ mặc áo phông ngắn tay. Một đợt nóng bất thường được ghi nhận khắp cả nước. Nhiệt độ ở mức 25oC ở hầu khắp đất nước và lên tới 30oC ở khu vực Tây Nam. Nhiệt độ thủ đô Paris hôm 6/4 ở mức 24oC. Còn khu vực Tây Nam, mức nhiệt cao nhất đo được lên tới 34oC. Nhiều người tìm tới các bãi biển để tránh nóng.
Cơ quan dự báo khí tượng của Pháp cho rằng nhiều khả năng năm nay sẽ là năm có tháng 4 nóng nhất lịch sử.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Thủ đô của Chile và nhiều khu vực khác ở nước này cũng phải đối mặt với một đợt nắng nóng nghiêm trọng. Các nhà khí tượng học cảnh báo thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn vào mùa hè ở Chile. Hơn 6 triệu cư dân ở thủ đô Santiago của Chile đã phải hứng chịu những ngày nắng nóng và khô hạn.
Các chuyên gia khí hậu đã dự đoán một mùa hè cực nóng, phần lớn là do hiện tượng thời tiết El Nino mang tính chu kỳ, làm ấm Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu và El Nino là nguyên nhân chính dẫn tới nhiệt độ cực cao.
Australia cảnh báo cháy rừng do nắng nóng cực đoan
Hôm 25/2/2024, giới chức Australia cảnh báo thời tiết nóng cực đoan có thể khiến cháy rừng nghiêm trọng hơn. Chính quyền Australia cho biết cháy rừng trong những ngày qua tại bang Victoria đã thiêu rụi nhiều ngôi nhà.
Theo cơ quan khẩn cấp của bang Victoria, hơn 15 trận cháy rừng đã hành hoành tại địa phương này trong ngày 25/2, trong đó trận nghiêm trọng nhất xảy ra gần một số thị trấn hẻo lánh. Khoảng 1.000 lính cứu hỏa và hơn 50 máy bay đã tham gia dập lửa kể từ khi cháy rừng bùng phát. Hỏa hoạn cũng làm chết nhiều gia súc, phá hủy tài sản và buộc hơn 2.000 người phải rời khỏi các thị trấn ở phía Tây và sơ tán đến thành phố Ballarat, cách thủ phủ Melbourne 95 km về phía Tây.
(Ảnh: AFP)
Trước đó, vào tháng 1, các vùng ở miền Tây Australia cũng hứng chịu một đợt nắng nóng cực đoan với mức nhiệt lên tới 40oC, làm tăng nguy cơ cháy rừng.
La Nina có thể thay thế El Nino trong năm nay
Theo dự báo của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, hiện tượng El Nino kéo theo thời tiết nóng, khô ở châu Á và mưa lớn bất thường ở nhiều vùng của châu Mỹ sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, các điều kiện thời tiết trở nên trung tính hơn. Sau đó, có khoảng 55% khả năng La Nina sẽ xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8.
Thông thường, khi La Nina xuất hiện, các nước ở Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ sẽ chứng kiến nhiều mưa tuyết hơn, trong khi thời tiết tại các vùng trồng ngũ cốc và hạt có dầu ở châu Mỹ sẽ khô hơn. Các nhà dự đoán ở Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo về hiện tượng El Nina hôm 8/2/2024, dự đoán có 55% khả năng mô hình trái ngược với El Nino sẽ phát triển vào tháng 8/2024.
La Nina gây ra những trận lũ lụt lớn (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Sự phát triển của La Nina có nhiều tác động lớn tới thời tiết ở Mỹ nói riêng và trên khắp thế giới nói chung. Nó có thể tạm thời làm chậm sự ấm lên toàn cầu bắt đầu cách đây khoảng 9 tháng khi El Nino bắt đầu ảnh hưởng. La Nina cũng nổi tiếng thúc đẩy mùa bão mạnh với sức tàn phá lớn ở Đại Tây Dương, đồng thời làm tăng điều kiện khô hạn ở Nam California và vùng Trung Tây nước Mỹ. Nó có xu hướng làm dịu nhiệt độ toàn cầu. Dù không chấm dứt sự ấm lên của hành tinh kéo dài suốt một thập kỷ qua, La Nina có thể giảm bớt mức độ ấm lên cực hạn mà các nhà khoa học quan sát gần đây.
Thời tiết cực đoan gây rủi ro toàn cầu vào năm 2024
Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2024 được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, thời tiết khắc nghiệt được xếp hạng là rủi ro số 1 trên toàn cầu. 2/3 số người được hỏi - được chọn từ các học viện, chính phủ và doanh nghiệp - cho biết đây là nguy cơ rất có thể gây ra một cuộc khủng hoảng vật chất trên quy mô toàn cầu vào năm 2024.
Báo cáo nêu rõ: "Những thay đổi đột ngột và không thể đảo ngược đối với các hệ thống Trái đất dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và có nguy cơ sụp đổ các hệ sinh thái không thích nghi tốt với khí hậu mới. El Nino dự kiến sẽ mạnh lên và kéo dài cho đến tháng 5/2024. Điều này có thể tiếp tục lập kỷ lục mới trong điều kiện nắng nóng, với các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt được dự đoán trước".
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết có 1/3 khả năng năm 2024 sẽ ấm hơn năm 2023 và 99% khả năng năm nay sẽ nằm trong top 5 năm nóng nhất.