Sáng nay (10/4), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chi trả cổ tức,...
Trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của MIC đạt 352 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước, đạt 101% kế hoạch, tổng tài sản đạt 8.819 tỷ đồng tăng trưởng 3%, ROE đạt 14,1%; tỷ lệ combine ratio được kéo giảm về mức 96,6%, giảm 1% so với cùng kỳ. Kênh bancas ghi nhận doanh thu 1.483 tỷ đồng, chiếm 32% tổng doanh thu và tăng trưởng 21%.
Ban lãnh đạo MIC cũng chỉ ra một số tồn tại chưa đạt được trong năm 2023 như doanh thu bảo hiểm gốc chưa đạt mục tiêu, mới đạt 77% kế hoạch; chưa tìm được đối tác chiến lược phù hợp; chưa thực hiện xong phương án tăng vốn từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên trong năm 2023.
Năm 2024, MIC đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 25%, doanh thu bảo hiểm tăng 33%, tỷ lệ chi phí kết hợp 96%. Với mức lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2023 đạt hơn 352 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận của MIC năm 2024 ước đạt 440 tỷ đồng. Công ty dự kiến mức chi trả cổ tức tối thiểu là 10%.
Đánh giá năm 2024 kinh tế Việt Nam sắp thuận lợi và khó khăn song hành, MIC tiếp tục đặt mục tiêu Top 4 thị phần trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Trong năm 2023, MIC đạt Top 5 thị phần doanh thu bảo hiểm gốc, chưa đạt theo kế hoạch đề ra là Top 4 do nhiều yếu tố.
Ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT MIC, cho biết hiện nay các công ty bảo hiểm nắm thị phần Top 5 và Top 6 đang có sự bám sát với MIC về thị phần. Do đó, trong năm 2024, công ty sẽ tập trung phát triển kênh bán để tăng trưởng thị phần mạnh hơn.
Kết thúc quý I, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 96,3 tỷ đồng, tăng 12,1%.
Chia cổ tức 10% bằng tiền, tăng vốn điều lệ
Năm 2024, MIC dự kiến sẽ thực hiện tiếp phương án tăng vốn đã được trình tại đại hội trước từ 1.726 tỷ đồng lên 2.014 tỷ đồng, tương ứng với việc phát hành thêm 28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (gần 26 triệu co) và theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng;/cp.
Đối với phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền được mua 15 cổ phiếu mới). Cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Hơn 2,8 triệu cổ phiếu thuộc chương trình ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm và gỡ dần tỷ lệ hạn chế qua các năm.
Tổng số tiền thu được từ các phương án phát hành dự kiến là hơn 287 tỷ đồng, sẽ được sử dụng cho mục đích đầu tư tăng năng lực, giải pháp triển khai chiến lược phù hợp với quy định, đầu tư tài chính.
Cùng với đó, MIC cũng trình phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023. Theo đó, MIC sẽ chi khoảng hơn 172 tỷ đồng để chia cổ tức.
Trong một năm vừa qua cổ phiếu MIG tạo được sức hút đối với các cổ đông ngoại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng từ 10% lên 17%, cổ đông lớn PYN Elite liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 5,29% lên 9,3%.
1. Động lực tăng trưởng của MIC trong thời gian tới sẽ dựa trên sản phẩm và kênh bán nào? Cơ sở nào để đạt doanh thu tăng 33% và lợi nhuận tăng 25%, trong đó doanh thu kênh số chiếm bao nhiêu %?
TGĐ Đinh Như Tuynh: Trong ngành bảo hiểm các sản phẩm truyền thống thì ở các công ty là tương tự nhau nhưng chúng tôi tạo ra các sản phẩm mới là sản phẩm kết hợp, gói sản phẩm, đồng thời tập trung vào các sản phẩm vi mô, giá rẻ, dễ bán nhằm tăng số lượng khách hàng.
Trong đó, kênh bancas với mức tăng trưởng hai chữ số hàng năm tiếp tục sẽ là kênh chủ lực trong năm 2024 và các năm về sau, ngoài MB, MIC có liên kết với 13 ngân hàng khác để bán hàng, tiếp theo là kênh đại lý số qua app và các đại lý số API. Cùng với đó MIC cũng tiếp tục đẩy mạnh kênh đại lý truyền thống.
Với bán hàng qua kênh số, chúng tôi sẽ tiết kiệm được chi phí về người, bán lẻ đến tận tay cho khách hàng, phương thức trả hoa hồng real time. VD một sản phẩm trước đây mất chi phí khoảng 30% nhưng qua kênh số thì có thể giảm chi phí nhưng không phải giảm được hết, cùng với đó giá bán trên kênh số sẽ rẻ hơn giá thông thường (rẻ hơn khoảng 5%).
Doanh thu kênh thuần số hiện chiếm khoảng 2% tổng doanh thu, nếu tính cả ở các đại lý thì khoảng 20%. Trong năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu đưa kênh thuần số chiếm 10% tổng doanh thu.
2. Tại sao mảng bảo hiểm con người sụt giảm trong năm 2023. Trong kênh bancas thì mảng sản phẩm nào chiếm tỷ trọng lớn nhất?
TGĐ Đinh Như Tuynh: Trong năm 2023, doanh thu sản phẩm bảo hiểm tín dụng khi kết hợp với một số công ty tài chính có giảm do mảng này gặp nhiều khó khăn nhưng sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ vẫn tăng cao (trên 24%). Tính chung bảo hiểm con người vẫn tăng 11%.
Theo phân tích kế hoạch đến năm 2026, dự kiến mảng bảo hiểm con người Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 30 - 40%. Do đó, đây là mảng mà MIC tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024 vì tỷ lệ thâm nhập sản phẩm này tại Việt Nam còn rất thấp so với châu Á.
Mục tiêu đẩy mạnh mảng này qua các kênh bancas, kênh đại lý và kênh số.
Riêng với kênh bancas (chiếm 30% tổng doanh thu), mảng bảo hiểm con người chiếm 25%; mảng xe cơ giới 36%; mảng tài sản kỹ thuật chiếm 26% và mảng hàng hải chiếm 15%.
3. Khoản đầu tư uỷ thác bên MB Capital thì tỷ trọng cổ phiếu, trái phiếu như thế nào? MIC có kế hoạch thay đổi phương thức, cơ cấu đầu tư không?
Chủ tịch Uông Đông Hưng: MB Capital là công ty thành viên của Tập đoàn MB và là đối tác lâu năm của MIC. Việc hợp tác này năm nào cũng mang lại hiệu quả cho MIC. Hoạt động đầu tư là mảng mang lại lợi nhuận chính cho các công ty bảo hiểm. Do đó, chúng ta cần hợp tác với một tổ chức chuyên nghiệp đảm bảo việc đầu tư hiệu quả và an toàn.
Khi đầu tư, các cổ phiếu đều được uỷ ban đầu tư của chúng tôi phê duyệt. Kể cả tiền gửi ngân hàng hay đầu tư cổ phiếu đều được xếp loại rủi ro. Với cổ phiếu thì mức độ rủi ro lớn nên chúng tôi chỉ đầu tư các mã bluechip (VN30), trừ một số mã trả cổ tức tiền mặt và có triển vọng rất tốt.
Trong năm 2022 là năm khó khăn với cổ phiếu nhưng năm 2023 và 2024 là năm rất tốt với thị trường. Chúng tôi có đầu tư một số mã như TCB, HPG, ACB.
Vừa rồi, chúng tôi có lướt sóng và nhờ sự phối hợp tốt của Uỷ ban đầu tư nên thoát ra đúng thời điểm nên có tỷ lệ sinh lời tốt, có những mã tỷ lệ sinh lời lên tới 18 - 22%.
Quan điểm của MIC là rất thận trọng trong vấn đề cổ phiếu và đầu tư phải là cổ phiếu rất tốt, cổ phiếu quốc dân.
4. Ban lãnh đạo đánh giá ra sao về khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2024? Tính đến thời điểm hiện tại việc thực hiện kế hoạch ra sao?
Chủ tịch Uông Đông Hưng: Chúng tôi cam kết hoàng thành 100% kế hoạch được giao. Cơ sở là dựa trên chất lượng bồi thường hiện nay của MIC là dẫn đầu thị trường. Cùng với đó, hướng đầu tư của MIC có thuận lợi hơn. Cụ thể, trong 4 tháng gần đây tất cả cổ phiếu đều có sự tăng trưởng, với dòng tiền rẻ NĐT sẽ quay lại TTCK và các cổ phiếu mà MIC lựa chọn sẽ có được khả năng sinh lời lớn.
Chúng tôi cam kết chắc chắn lợi nhuận tối thiểu vượt hoặc bằng kế hoạch đã trình đại hội.
TGĐ Đinh Như Tuynh: Kế hoạch năm 2023 là không dễ nhưng chúng tôi có quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu. Tính đến hết quý I, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, thực hiện được 22% kế hoạch năm. Nhờ đó, MIC đã vào Top 4 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong đó, kênh bancas ghi nhận tăng trưởng 24%, mức tương đối cao trong bối cảnh hiện nay. Doanh thu kênh số tăng gấp 3 lần, tăng tỷ trọng từ 2 - 3%. Tỷ lệ bồi thường giảm mạnh về 23%.
5. Kế hoạch cổ đông chiến lược và tăng vốn của MIC có khó khăn vướng mắc gì và tiến độ hiện tại ra sao?
Chủ tịch Uông Đông Hưng: MIC rất kỳ vọng và mong muốn sớm tìm được cổ đông chiến lược phù hợp và trong thời gian qua cũng có rất nhiều đối tác quan tâm tới công ty, có thể kể đến như SK của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, MIC cũng có những tiêu chí nhất định trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược. Do core của bảo hiểm phi nhân thọ rất phức tạp nên chúng tôi kỳ vọng đối tác chiến lược sẽ vừa là công ty bảo hiểm lớn trên thế giới, có thể giúp hoàn thiện core bảo hiểm, MIC có thể tận dụng ưu thế về công nghệ, vốn, định hướng phát triển của họ.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.