"Cho đến một ngày ngả lưng trên một đỉnh núi xa tắp ở Thái Lan, thấy ông trời ghé xuống ngồi bên thỏ thẻ, 'Con đi lang thang miết, rồi cuộc đời sẽ để lại gì? Làm gì để không thấy phí cho khối óc, đôi tay và con tim tràn đầy trong lồng ngực?...'. Nên là bỏ lại cuộc hành trình.
Năm 2018 mình hồi quê, tập trung cái nghề. Năm ấy là năm khó, công việc không nhiều. Anh em thợ phải nghỉ hơn phân nữa. Đợt đó ở xưởng, mấy anh em còn lại cắn răng gồng gánh, sợ không qua nổi sang năm. Nhớ lại, vẫn là một năm khốn khó nhiều đau thương...".
Đó là những chia sẻ của Trần Duy - một nghệ nhân điêu khắc gỗ 25 tuổi về hành trình gắn bó với nghề của mình. Duy là chủ kênh TikTok @duyaulac và cũng là người đứng sau kênh YouTube Nghệ Nhân Âu Lạc với content chủ yếu là điêu khắc gỗ. Trái với hình dung của mọi người về khắc gỗ truyền thống, anh chàng gây ấn tượng về những clip khắc nhân vật hoạt hình và trong phim ảnh.
Trần Duy
Trần Duy
Sinh năm 1997
Hiện đang sinh sống tại Quảng Nam
TikTok: @duyaulac - 312k người theo dõi
YouTube: Nghệ Nhân Âu Lạc - 1,05 triệu người theo dõi
Cùng xem câu chuyện của anh chàng nghệ nhân điêu khắc gỗ trẻ tuổi có gì thú vị nữa nhé!
Bỏ học đại học về nhà làm "công tử" xưởng điêu khắc
Từ khi bắt đầu biết nhận thức, xung quanh Duy đã chỉ toàn là những tiếng đục đẽo, những lớp bụi bặm trong xưởng điêu khắc của gia đình. Ba cậu là người gốc Huế, chuyển vào Quảng Nam sinh sống, mở lớp dạy nghề cho mọi người ở đây và cuối cùng tạo nên 1 xưởng nhỏ. Nhưng hồi đó Duy chỉ biết công việc này thôi mà không yêu thích và càng không có ý định nối nghiệp gia đình.
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Duy cũng khăn gói đi học đại học ở trường ĐH Mỹ thuật Huế. Tuy nhiên sau đúng 1 tháng, trải nghiệm cảm giác làm sinh viên xong thì Duy bỏ học. Về nhà, anh chàng quyết định theo học điêu khắc gỗ chỉ vì... không có gì làm.
Duy từng trốn xưởng vì không thích việc điêu khắc
"Thật ra mình học chỉ để cho bằng bạn bằng bè chứ không thích. Lúc đó mình lười, mình sợ bụi, sợ gỗ, sợ cưa, sợ mùn cưa,... sợ tất cả những công việc nặng nhọc. Nghe cứ như công tử bột dù mình không phải như vậy. Và thế là mình luôn tìm cách trốn khỏi xưởng, làm công việc có thể đi đây đi đó hoặc ở lì trong nhà.
Dẫu vậy mình vẫn nhận thức được rằng nếu không học gì đó thì chắc chắn mình sẽ chỉ là 1 người cù bất cù bơ. Thế nên khi bạn bè dùng 4 năm để học ở trường đại học thì mình cũng phải dùng 4 năm đó để rèn luyện bản thân. Mình học tiếng Anh, học marketing, học viết content,... dù không hề biết sẽ dùng nó cho công việc gì. Hơn nữa với thái độ học điêu khắc của mình khi đó, mình cũng không biết bao giờ mới thành nghề, đi làm và có lương. Nhưng lúc đó mình có một niềm tin mãnh liệt rằng rồi sẽ đến một ngày mình cần tất cả những kỹ năng này cho việc nào đó" - Duy kể lại.
Nhận ra phải nghiêm túc với nghề điêu khắc khi đang du lịch bụi
Một lý do nữa khiến Duy hay trốn xưởng điêu khắc là vì thích đi du lịch. Không có tiền, anh chàng vừa học nghề vừa làm phục vụ ở cà phê kiếm tiền đi chơi. Sau hơn 1 năm gom góp, Duy cầm 8 triệu trong tay và lên đường du lịch bụi 1 tháng ở 1 số nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Malaysia,... Và trong một đêm cắm trại trên đỉnh núi cao nhất Thái Lan, Duy nhận ra đã đến lúc mình phải nghiêm túc với nghề điêu khắc. "Khoảnh khắc đó giống như mình đang nói chuyện với chính mình và quyết định phải quay về" - chàng trai tâm sự.
Nhưng không phải cứ muốn là có kết quả ngay được, nhất là với một nghề thủ công như điêu khắc gỗ. Duy cho biết nếu chỉ học nghề thì mỗi người thường mất khoảng 2 - 3 năm còn để lên được hàng nghệ nhân có thể cần hàng chục năm trời. Nhìn chung không có một con số cụ thể nào, chỉ biết là phải rèn luyện rất nhiều. Tuy nhiên theo Duy, tố chất quan trọng nhất của một nghệ nhân điêu khắc là năng khiếu và anh chàng hay dùng từ cảm quan hơn. "Ví dụ khi bạn muốn khắc một nhân vật nào đó, bạn phải cảm được nét đặc trưng của nhân vật. 'Cảm' xong rồi mới tìm cách thể hiện nó lên gỗ như thế nào" - nghệ nhân trẻ nói.
Với bản thân Duy, những năm học nghề đầu tiên thực sự rất khó. Lý do quan trọng nhất là anh chàng bắt đầu một cách bị động, không thực sự yêu thích điêu khắc. Hậu quả là việc học nghề của Duy rơi vào bế tắc: "Khi các anh và các thầy chỉ dạy, mình không để ý nên mắc lỗi nhiều gấp 10 lần so với bình thường. Có một anh dạy nghề cho mình còn đã nói rằng mình phải siêng năng, cần cù để bù cho khả năng. Ở thời điểm đó mình thấy đúng thật nhưng mình vẫn trả lời: 'Em biết vậy nhưng em lười lắm. Em học cho có thôi'. Hồi đó trong lớp có 15 bạn thì mình đứng thứ 13 và hơn 2 bạn còn lại là học viên khuyết tật".
Về sau, khi đã "quay xe" với điêu khắc gỗ, Duy dồn toàn bộ thời gian và tâm huyết cho những sản phẩm của mình. Anh chàng trau chuốt kỹ càng và yêu thích mọi sản phẩm được làm ra. Có nhiều sản phẩm phải mất 2 - 3 tháng trời mới xong nhưng Duy vẫn kiên trì, lủi thủi làm mỗi ngày cho đến khi hoàn thành.
Bức tranh từng khiến Duy tốn hàng trăm tiếng đồng hồ làm việc
Sản phẩm khi được hoàn thiện
Tình cờ nổi tiếng trên MXH sau khi bí quá, lấy video đăng... đại
Vì xưởng của gia đình nên ngoài học nghề, Duy cũng phụ trách luôn nhiều mảng khác như marketing, xây dựng các kênh MXH hay phụ trách khách nước ngoài. Lúc đầu Duy chỉ up clip lên Facebook nhưng đến một ngày, anh chàng nhận ra mọi người đăng lại clip của mình lên YouTube nên cũng lập kênh riêng. Nhận được sự hưởng ứng của mọi người, giữa năm 2019, Duy nghiên cứu kỹ hơn và làm kênh YouTube một cách chỉn chu và có loạt video về tượng khổng lồ khá viral.
Tuy nhiên thứ giúp video của anh chàng ngày càng nhiều lượt xem là sự độc đáo, mới lạ và hiện đại. Bởi không chỉ điêu khắc truyền thống, Duy còn làm các mô hình nhân vật quen thuộc như Songoku (7 Viên Ngọc Rồng), Luffy (One Piece), Giáo sư Snape (Harry Potter), Doctor Strange,... Việc nổi tiếng từ các nhân vật hoạt hình, phim ảnh này cũng đến với chàng trai khá ngẫu nhiên.
Tranh gỗ chân dung Giáo sư Snape (Harry Potter)
Một phần trong "gia tài" của Duy
"Mỗi clip chỉ có mấy phút nhưng để làm 1 sản phẩm lại tốn khá nhiều thời gian, có thể mất đến vài tháng. Trong khi đó làm YouTube bắt buộc phải có content xuyên suốt, đều đặn 1 clip/ tuần hoặc 1 clip/ vài tuần nên một thời gian sau, mình hết nội dung để đăng. Bí quá, mình quyết định đăng clip làm Songoku và các nhân vật hoạt hình của mình. Ban đầu mình sợ mọi người chê hoặc ảnh hưởng đến hình nghệ nhân Việt Nam kiểu 'Nghệ nhân mà đi những những nhân vật hoạt hình nước ngoài' nhưng may mắn là mọi người lại đón nhận khá tích cực. Từ đó mình chuyển hướng sang làm các nhân vật như vậy" - Duy cho hay.
"Bệ phóng" gia đình và ước mơ mang điêu khắc gỗ Việt Nam ra thế giới
Năm 2020, Duy lập page Woodart Vietnam. "Năm 2020, mình cùng anh em bỡ ngỡ thử những điều mới mẻ, sau những tháng năm nép mình bên lũy tre làng. Cái tên Woodart Vietnam ra đời, để bạn bè năm châu bốn bể dễ nhớ, dễ nghe. Tên đơn giản mà tự hào, yêu nghề, yêu nước,..." - chàng trai trẻ trải lòng.
Nhưng cũng chính vì cái tên tiếng Anh này, Duy lại nhận về rất nhiều bình luận trái chiều từ cộng đồng mạng. Có người vào hỏi anh chàng "Tại sao người Việt nhưng lại đặt tên bằng tiếng Anh?", thậm chí cho rằng vì sính ngoại nên mới làm thế. Tuy nhiên Duy cũng không lấy làm phiền lòng bởi ngay phía dưới những ý kiến này là những câu trả lời bênh vực, đúng với mong muốn của anh chàng. "Thanh niên này muốn mang điêu khắc gỗ của người Việt ra thế giới thì không thể dùng tiếng Việt mà giới thiệu được!".
Không chỉ dừng lại ở việc làm sản phẩm mới, thay đổi cái nhìn về điêu khắc gỗ, Duy còn muốn có những tour trải nghiệm để mọi người có thể đến tham quan. Tại đây mọi người có thể hòa mình vào không khí làm việc của các nghệ nhân và nghe những câu chuyện về tác phẩm. "Có nhiều tác phẩm rất Việt Nam, rất có ý nghĩa và mang tính lịch sử. Khách cũng có thể tự làm những bức tượng nhỏ nhỏ với sự hướng dẫn của các anh thợ" - Duy hào hứng.
Tất nhiên mọi thứ mà Duy đã, đang và sẽ làm đều nhờ 1 "bệ phóng" cực kỳ quan trọng là gia đình: "Nếu mình đơn thương độc mã thì sẽ phải bán hết những sản phẩm làm ra để có duy trì công việc. Rồi đến khi có đơn hàng phát sinh thì một mình mình sẽ không làm hết được mà phải lo mở xưởng, nhân sự các thứ còn hiện tại mình đã có hết rồi".
Và "bệ phóng" này cũng là 1 trong những lý do khiến Duy dứt khoát trả lời "Không" khi được hỏi có muốn "lôi kéo" các bạn trẻ đến với bộ môn này không. Anh chàng giải thích: "Người ta thường tìm đến điêu khắc gỗ như một kế sinh nhai và phần lớn người ta bỏ vì không kiếm được đủ sống. Khóa mà mình học nghề trước đây cũng đã bỏ khá nhiều, chỉ còn 1 - 2 bạn. Còn mình thì khác. Mình làm việc này rất thoải mái, còn các bạn thường bị vướng bận bởi cơm áo gạo tiền. Vì vậy các bạn phải rất kiên trì học hỏi và tích lũy qua nhiều năm nên mình không lôi kéo được, bạn nào đam mê lắm mới theo".
Ảnh clip: NVCC