Thị trường tháng 2 thiếu đi sự ủng hộ của dòng vốn ngoại khi có đảo chiều bán ròng 640 tỷ đồng, sau ba tháng giải ngân kỷ lục. Giao dịch ngược chiều với các NĐT nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.350 tỷ đồng trên HOSE và gom ròng khớp lệnh là 1.108 tỷ đồng.
Sau nỗ lực hồi phục nhờ “Hiệu ứng tháng Giêng” trong tháng đầu năm, VN-Index đối mặt với áp lực điều chỉnh trong tháng vừa qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, VN-Index dừng chân tại mốc 1.024,68 điểm, giảm 7,78% so với tháng 1 và tăng 1,75% so với cuối năm 2022.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tại HOSE ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt gần 567,7 triệu cổ phiếu và 10.014 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 2,14% về khối lượng bình quân và 4,60% về giá trị bình quân so với tháng đầu năm.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm 9,01% xuống 202,38 điểm. Khởi sắc hơn, UPCoM-Index là chỉ số duy nhất tăng điểm khi kết thang, tỷ lệ tăng 0,79% lên 76,44 điểm.
Tháng 2 cũng chứng kiến xu hướng sụt giảm của các ngành như bất động sản giảm 13,43%, hàng tiêu dùng giảm 12,38, công nghiệp giảm 11,45%...
Bộ đôi VHM và MSN dẫn đầu về mức ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index khi lấy đi lần lượt 9,48 điểm và 6,47 điểm của chỉ số chính. Chiều đóng góp tích cực điểm gọi tên VCB với 2,22 điểm, các mã còn lại trong Top10 có mức đóng góp không đáng kể.
Thị trường tháng 2 thiếu đi sự ủng hộ của dòng vốn ngoại khi có đảo chiều bán ròng 640 tỷ đồng, sau ba tháng giải ngân kỷ lục. Giao dịch ngược chiều với các NĐT nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.350 tỷ đồng trên HOSE và gom ròng khớp lệnh là 1.108 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân chủ yếu tìm đến nhóm bất động sản, hóa chất
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng nhẹ bên bán với 12/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị 1.036 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vua có tháng giao dịch không mấy tích cực với tỷ trọng giá trị giao dịch giảm xuống 19,51% toàn thị trường trong khi chỉ số giá ngành cũng giảm 5,87% trong tháng.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 359 tỷ đồng ở nhóm dầu khí và 263 tỷ đồng cổ phiếu tài nguyên cơ bản, 199 tỷ đồng nhóm điện, nước, xăng dầu khí đốt trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như xây dựng & vật liệu (165 tỷ đồng), bán lẻ (138 tỷ đồng), bảo hiểm (136 tỷ đồng), du lịch & giải trí (53 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bất động sản dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 1.887 tỷ đồng. Tương tự, nhóm hóa chất cũng được gom ròng với giá trị 890 tỷ đồng.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng tập trung tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như thực phẩm & đồ uống (450 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (167 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (93 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (38 tỷ đồng).
Cổ phiếu nào được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất trong tháng 2
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của nhóm ngân hàng với 1.032,5 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị xả ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài và tổ chức trong nước.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Sacombank, BID cũng bị bán ròng với giá trị 221,5 tỷ đồng. Kế đó, nhiều ông lớn rổ VN30 cũng nằm trong danh mục rút vốn là CTG (186,3 tỷ đồng), MWG (163,7 tỷ đồng), HPG (148,8 tỷ đồng), PLX (142,3 tỷ đồng), HDB (135,3 tỷ đồng), BVH (118,3 tỷ đồng), …
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa trung bình như PVD (216,2 tỷ đồng), GMD (176 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, sau tháng bán ròng trước đó, bộ ba cổ phiếu họ Vingroup đều nằm trong danh mục mua ròng, bao gồm VHM (923,9 tỷ đồng), VIC (339,6 tỷ đồng), VRE (3,9 tỷ đồng).
Cùng thuộc nhóm bất động sản cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh cũng được gom ròng với giá trị 480,9 tỷ đồng. Liên quan đến giao dịch cổ phiếu DXG, nhóm quỹ Dragon Capital vừa bán xong 4 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh trong phiên giao dịch ngày 20/2.
Thống kê cho thấy từ đầu năm 2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu DXG, từ đó hạ tỷ lệ sở hữu hiện còn 15,91%.
Tương tự, các đại diện ngành hóa chất là DGC, DPM và DCM cũng được gom ròng 299,3 tỷ, 256,3 tỷ và 231,8 tỷ đồng. Tương tự nhiều mã vốn hóa lớncũng nằm trong danh mục mua ròng như ACB, SSI, MSN … với quy mô dưới 200 tỷ đồng.