CTCP Tasco (Mã: HUT) nguyên là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Sau nhiều lần thay đổi, tháng 12/2007 công ty đổi tên thành CTCP Tasco. Vốn điều lệ ban đầu là 55 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông lúc đó gồm 16,02% của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), còn lại là 403 cá nhân khác. Đến năm 2015, HUD đã thoái toàn bộ vốn tại Tasco.
Tháng 11/2000, Tasco tiến hành cổ phần hoá. Thời điểm này, Tasco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở bao gồm công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, và trong lĩnh vực kinh doanh phát triển nhà ở và khu đô thị. Địa bàn hoạt động của công ty nằm rải rác khắp các tỉnh miền Bắc.
Liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh
Thời điểm trước khi lên sàn (2008), Tasco tập trung chủ yếu vào mảng xây lắp, nên 90% cơ cấu doanh thu của Tasco đến từ lĩnh vực này, bao gồm các công trình đường và hệ hống thoát nước, kè đê biển, móng cọc khoan nhồi.
Sau khi chính thức lên sàn, Tasco giảm dần việc nhận bao thầu xây lắp và chuyển sang lĩnh vực đầu tư các dự án theo hình thức BOT, BOO và BT, hoạt động thu phí không dừng (VEC).
Tuy nhiên sau một giai đoạn đầu tư, mô hình kinh doanh BOT bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quá trình vận hành. Những thông tin kém tích cực liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành các dự án BOT liên tục xuất hiện.
Cựu Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng đã từng thừa nhận về mảng thu phí là “làm rồi mới thấy sai lầm, mới thấy là xương xẩu, rất rủi ro”.
Năm 2014, Tasco xác định mảng bất động sản là ngành kinh doanh mũi nhọn và tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, ông Dũng cho biết công ty sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Đầu tư bất động sản (BĐS), đầu tư y tế và công nghệ giai đoạn 2017 – 2022. Đồng thời tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT dù đã gắn bó 10 năm. Về đầu tư BĐS, theo ông Dũng, công ty lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư BĐS theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Tháng 10/2021, Tasco chuyển giao dàn lãnh đạo mới với tân Chủ tịch là ông Hồ Việt Hà (sinh năm 1976). Đồng thời, công ty cũng công bố chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ với việc tập trung vào các hoạt động cốt lõi: Hạ tầng giao thông BOT, thu phí không dừng, BĐS. Trong khi đó, công ty tinh gọn và thoái vốn các mảng kinh doanh như xây dựng, y tế, giáo dục và nông nghiệp….
Năm 2021 cũng là năm Tasco công bố ý định hoán đổi cổ phần để sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH SVC Holdings. Điều này sẽ giúp Tasco thực hiện mục tiêu sở hữu hệ thống phân phối ô tô lớn nhất cả nước, do SVC Holdings là công ty đang nắm giữ 54,1% vốn cổ phần của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã: SVC).
Chiến lược mới "Kiềng ba chân" của Tasco, doanh thu kỳ vọng tăng 45 lần vào năm 2024
Giữa tháng 9, Tasco đã chính thức hoàn tất sáp nhập SVC Holdings, đồng nghĩa hoàn thiện được mô hình chiến lược dài hạn “Foundation of Life” (Nền tảng cuộc sống), hệ sinh thái phục vụ chi tiêu đầu tư của Tasco.
Hệ sinh thái này nhắm tới việc phục vụ phần lớn nhu cầu chi tiêu của người dân Việt Nam, bao gồm: Nhu cầu đi lại và sở hữu, sử dụng ô tô với hệ thống cơ sở hạ tầng - dịch vụ lớn nhất tại Việt nam; Nhu cầu ở và sở hữu bất động sản chất lượng cao; và Nhu cầu đầu tư cho tương lai, bao gồm sử dụng các sản phẩm bảo hiểm và tái tạo sức khỏe - du lịch nghỉ dưỡng.
Theo Tasco, với việc sáp nhập SVC Holdings, năm 2024, doanh thu của Tasco có thể đạt mốc 48.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.350 tỷ đồng, lần lượt gấp hơn 45 lần và 9,3 lần kết quả năm 2022 - thời điểm chưa sáp nhập. Mục tiêu tài chính tới 2026, doanh thu dự kiến đạt 84.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng CAGR về doanh thu là 30%, EBITDA đạt 5.700 tỷ đồng.
Nếu đạt được thì Tasco có thể lọt top những doanh nghiệp có doanh thu cao trên sàn. Con số 84.000 tỷ này vượt mặt doanh thu năm 2022 nhiều ông lớn trên sàn như Masan, Vietnam Airlines, Vinhomes, Vinamilk,...
Đồng thời khi sáp nhập SVC Holdings, vốn điều lệ của Tasco cũng được nâng lên thành 8.925 tỷ đồng. Và với mức giá 24.900 đồng/cp chốt phiên 22/9, vốn hóa của Tasco hơn 22.200 tỷ đồng, tiệm cận với một số doanh nghiệp như Viglacera, Khang Điền, Sunshine Homes và vượt Tập đoàn Gelex và Bamboo Capital.
Chiến lược phát triển hệ sinh thái “Foundation of life” của Tasco sẽ dựa trên 3 trụ cột chính.
Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng – phân phối và dịch vụ ô tô. Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác lợi thế để đưa thêm các thương hiệu xe sang và xe phổ thông vào Việt nam, đồng thời phát triển thêm kênh kinh doanh xe đã qua sử dụng.
Đến hiện tại, website công ty giới thiệu Tasco là công ty lớn nhất trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC) với 104 trạm, 617 làn đường cao tốc trên các tuyến chính huyết mạch của cả nước. Tasco có lượng khách hàng lớn với 2,5 triệu người sở hữu ô tô. Mục tiêu của Tasco là tăng lượng khách hàng lên 5 triệu người vào năm 2025 và duy trì 80% thị phần chủ xe trong những năm tới.
Năm 2022, mảng thu phí ghi nhận doanh thu đi lên nhưng vẫn lỗ 132 tỷ đồng nhưng con số này đã được cải thiện so với mức lỗ 260 tỷ đồng vào năm 2021. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện Tasco dự kiến mảng thu phí bắt đầu có lãi sau hơn 7 năm hoạt động.
Công ty đã làm được những điều quan trọng như sở hữu tệp khách hàng lớn, lên tới 2,7 triệu thành viên, chiếm 80% thị phần về số làn, số trạm và 70% về thị phần thu phí. Vào những ngày cao điểm, công ty đã xử lý được 1,7 triệu giao dịch/ngày.
Năm nay, Tasco đặt mục tiêu SVC Holdings sẽ mở thêm các showroom, tập trung vào các hãng xe có biên lợi nhuận lớn và làm việc với ngân hàng để có gói tín dụng tốt dành cho khách mua xe. Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với Carpla - nền tảng mua bán xe đã qua sử dụng để mở rộng mạng lưới trao đổi xe cũ, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của công ty.
Đồng thời thời gian tới, Tasco sẽ đưa thêm 2 thương hiệu xe sang của Mỹ, châu Âu về Việt Nam. SVC Holdings dự kiến đóng góp 85% cơ cấu lợi nhuận của Tasco trong năm 2023.
Thứ hai, bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng. Tasco đã thành lập Tasco Land năm 2022, thực hiện nghiên cứu triển khai một loạt các dự án ở Hà Nội như dự án 48 Trần Duy Hưng – Hà Nội với diện tích đất 2.800 m2, dự án Foresa Mỹ Đình 49 ha và các dự án trong qũy đất hiện hữu.
Cùng với đó, Tasco Land sẽ kết hợp với SVC Holdings, Savico nghiên cứu triển khai, khai thác hiệu quả các bất động sản hiện có. Đồng thời, Tasco Land đầu tư vào CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay - sở hữu khu resort nổi tiếng Six Senses Ninh Van Bay, khu Biệt thự pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt.
Thứ ba, kinh doanh bảo hiểm. Tasco đã mua lại 100% Bảo hiểm Groupama (Pháp) và cho biết đây bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hóa cho xe và chủ xe, dựa trên kênh phân phối của Savico, phục vụ nhu cầu của khách hàng VETC.
Năm nay, mảng bảo hiểm Tasco Insurance đặt mục tiêu 300 tỷ đồng doanh thu. Công ty chỉ tập trung vào việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho xe cơ giới như bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm thân vỏ bắt buộc. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục tác tái cơ cấu, nâng cao kết nối công nghệ để đồng bộ với VETC hay các showroom của Savico nhằm tiếp cận với tệp khách hàng lớn hơn.
Doanh thu sụt mạnh từ năm 2018, nguồn thu chính
Theo thống kê của người viết trong khoảng 10 năm trở lại đây, Tasco từng đạt mốc doanh thu kỷ lục vào năm 2016 với gần 3.000 tỷ đồng nhờ việc bàn giao nhà cho khách hàng tại dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa).
Năm 2017, Tasco bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm về mặt doanh thu khi các hợp đồng xây dựng và dự án bất động sản bị chậm tiến độ, chưa được bàn giao. Kể từ đó, mức doanh thu của công ty dao động 700 – 1.100 tỷ đồng năm 2017 – 2022. Lợi nhuận liên tục sa sút, có năm 2020 thua lỗ tới 243 tỷ đồng. Tasco giải trình nguyên nhân thua lỗ phần lớn do ảnh hưởng từ số lỗ của dự án Thu phí không dừng VETC.
6 tháng đầu năm 2023, Tasco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 624 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, trong khi đó lãi sau thuế còn 14 tỷ đồng, giảm tới 86% do các chi phí tăng cao. So với kế hoạch năm, công ty mới thực hiện được chưa tới 2% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Xét về cơ cấu doanh thu của Tasco, giai đoạn trước 2015, phần lớn đến từ các hợp đồng xây lắp, xây dựng. Hai năm tiếp theo 2016 và 2017, công ty ghi nhận doanh thu lớn từ mảng bất động sản khi mảng này đem về lần lượt 2.146 tỷ và 1.356 tỷ đồng, đóng góp hơn 60% cho tổng doanh thu của công ty.
Từ 2018, mảng thu phí trở thành nguồn thu chính cho Tasco, trong khi các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, hợp đồng xây dựng hay bất động sản đều suy giảm mạnh.
Thống kê của người viết cho thấy biên lãi gộp của mảng thu phí thường trội hơn hẳn các mảng khác, dao động trên mốc 30% (trừ năm 2020 với 16%).
Tính tới 30/6, tổng tài sản của Tasco không thay đổi nhiều so với đầu năm, ở mức 11.671 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 13%, tương ứng 1.524 tỷ đồng, đa số đến từ các khoản phải thu khác như hợp đồng hợp tác đầu tư.
Cuối kỳ, công ty nắm giữ 1.241 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đồng thời đầu tư 765 tỷ đồng vào các liên doanh, liên kết và đơn vị khác.
Tại ngày 30/6, công ty đang góp vốn vào hai công ty liên doanh, liên kết là Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ và Công ty TNHH NVT Holdings với giá gốc 737 tỷ. Ngoài ra, công ty còn sở hữu trực tiếp 6 công ty con gồm Công ty TNHH MTV Tasco BOT, CTCP VETC, Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tasco, Công ty TNHH Tasco Land, và Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco.
Cuối tháng 6, Tasco đi vay tổng cộng 4.737 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn để thực hiện các dự án BOT, dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát trọng tải xe, chiếm 41% tổng nguồn vốn. Tổng chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm hơn 155 tỷ đồng.