Tài chính

Tập đoàn điện lạnh hơn 100 năm tuổi của Nhật Bản trở về từ "cõi chết": Xóa lỗ 8 tỷ USD nhờ cải cách, hiện giá trị vượt cả SoftBank, Honda

Mười lăm năm trước, Hitachi đứng bên bờ vực phá sản sau khi công bố khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay: 8 tỷ USD. Thương hiệu này khi ấy đã trở thành biểu tượng cho các tập đoàn công nghiệp cồng kềnh và mệt mỏi của nền kinh tế châu Á.

Tuy nhiên, Hitachi, sau cuộc cải cách quản trị doanh nghiệp kéo dài hàng thập kỷ, đã phục hồi bằng cách chuyển mình thành nhà cung cấp phần mềm và phần cứng công nghiệp kể từ năm 2009. Công ty hơn 100 năm tuổi này gặt hái được thành quả từ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và năng lượng sạch, để rồi vươn lên hàng ngũ 5 công ty giá trị nhất quốc gia, xếp trên cả SoftBank Group, Nintendo và Honda.

Hitachi từng là một nhà sản xuất phần cứng gặp khó khăn... nhưng giờ đã chuyển thành biểu tượng tăng trưởng.

“Cổ phiếu của công ty được mọi người yêu thích”, Masakazu Takeda, giám đốc danh mục đầu tư tại Sparx Asset Management, một nhà đầu tư của Hitachi, cho biết. Thách thức hiện nay chỉ là “liệu Hitachi có thể đáp ứng được kỳ vọng và sự cường điệu của thị trường hay không”.

Hiệu suất của Hitachi nhấn mạnh con đường và vận mệnh khác nhau của các tập đoàn điện tử từng thống trị của Nhật Bản, bao gồm Sony, Panasonic và Toshiba. Tất cả đều đã cố gắng tái tạo chính mình sau khi quốc gia này nhường vị thế dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn và điện tử cho các đối thủ nước ngoài.

Từng được biết đến là nhà sản xuất mọi thứ, từ máy giặt đến chip, Hitachi thu hẹp quy mô, tập trung chủ yếu vào số hóa cơ sở hạ tầng và lưới điện.

“Các nhà đầu tư tin rằng các cải cách cơ cấu tại Hitachi là có thật”, chủ tịch Toshiaki Higashihara cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây của FT tại Tokyo. “Tiếp theo, chúng ta cần đưa điều này lên một tầm cao mới.”

Tokunaga, người đã thăng tiến trong lĩnh vực CNTT trong hơn 34 năm và có cha từng làm việc tại một nhà máy của Hitachi, sẽ sớm thay thế Keiji Kojima chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược tăng trưởng tập trung vào hoạt động kinh doanh kỹ thuật số. Người đàn ông 57 tuổi này hiện nắm giữ 8,2 triệu USD cổ phiếu Hitachi.

Hitachi đã hợp nhất, giảm từ hơn 1.000 công ty con vào năm 2015 xuống 614 đơn vị ở thời điểm hiện tại. Trước đây, các bộ phận không phù hợp, từ hóa chất đến máy móc xây dựng, cũng đã bị bán tháo một cách đau đớn với giá 3,3 nghìn tỷ yên (19,5 tỷ USD). Số tiền thu được được tái đầu tư để mua lại phần lớn mảng kinh doanh lưới điện từ ABB của Thụy Sĩ với giá 6,8 tỷ USD vào năm 2020 và nhà cung cấp phần mềm GlobalLogic của Mỹ với giá 9,6 tỷ USD.

Nhìn từ bên ngoài, Hitachi vẫn trông giống như một tập đoàn lớn trải rộng trên cơ sở hạ tầng tàu hỏa, lưới điện và tự động hóa nhà máy, song đã thành công áp dụng CNTT và khoa học dữ liệu. Thu nhập ròng dự kiến sẽ đạt 600 tỷ Yên trong năm nay, gấp đôi mức trung bình trong thập kỷ tính đến năm 2020.

Một trong những chìa khóa thành công của Hitachi đến từ Lumada, bộ phận hoàn thiện dịch vụ khoa học dữ liệu cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng. Bộ phận này chiếm 41% thu nhập cốt lõi trong năm nay mặc dù chỉ mới được thành lập vào năm 2016.

Pelham Smithers, một nhà phân tích độc lập, cho biết sự thay đổi của Hitachi là đáng chú ý, không chỉ dừng lại bằng cách bán các bộ phận, mà còn nhằm phát triển Lumada để có thể đưa phân tích dữ liệu vào các lĩnh vực.

“Những công ty như Tesla và Microsoft đã truyền bá việc kiếm tiền từ dữ liệu. Hitachi là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận đó tại Nhật Bản”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng hiện tại, công ty này “có thể nói là doanh nghiệp AI lớn nhất tại Nhật Bản”, ám chỉ đến năng lực ngày càng tăng của Lumada.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư vẫn đang thận trọng hơn khi giá cổ phiếu của Hitachi tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây. Họ cho biết doanh nghiệp này vẫn phải đối mặt với một số thách thức, chẳng hạn như tình trạng chậm trễ và chi phí vượt quá mức, gây khó khăn cho các dự án kỹ thuật mới. Ngoài ra, lượng đơn hàng tồn đọng trong mảng sản xuất máy biến áp và tàu điện cũng gây ra rủi ro.

Theo Financial Times, bất chấp việc phần lớn nhân viên của Hitachi làm việc bên ngoài Nhật Bản và 62% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, tập đoàn này vẫn phải bổ nhiệm CEO là người trong nước. Động thái phần nào cho thấy công ty chưa sẵn sàng với một số cải cách nội bộ sâu rộng.

“Hitachi vẫn là một công ty Nhật Bản và có mối quan hệ sâu sắc với chính phủ. Nếu muốn vươn ra toàn cầu, tập đoàn sẽ cần một CEO là người nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó phải mất nhiều năm nữa”, Chủ tịch Toshiaki Higashihara nói.

Theo: Financial Times



Cùng chuyên mục

Đọc thêm