Trong buổi chia sẻ cùng báo chí ngày 17/12, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (thường được gọi là Đường "Bia"), cho hay, các doanh nghiệp xây dựng không khó để làm nhà ở xã hội với chi phí hợp lý.
Theo tính toán của ông, mức giá nhà ở xã hội mà doanh nghiệp này có thể đưa ra thị trường là 15 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngoại thành và 20-21 triệu đồng/m2 tại khu vực nội thành Hà Nội.
Vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng ngày càng được cải tiến nên mức giá xây dựng rẻ hơn so với trước đây. Vì vậy mức giá 15-20 triệu đồng/m2 là doanh nghiệp đã có lãi.
Thậm chí, vị doanh nhân này còn tiết lộ đã đề nghị lãnh đạo nhà nước cho phép doanh nghiệp mỗi năm làm 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Nhà nước không phải bỏ tiền.
Điều kiện là UBND các tỉnh thành phố có quy hoạch những khu đất dành riêng để làm nhà ở xã hội. Ví dụ, thành phố Hà Nội quy hoạch 5 khu làm nhà ở xã hội tập trung và các doanh nghiệp sẽ ứng tiền giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, xây dựng nhà ở xã hội.
Sau khi thu được tiền thuế từ người mua nhà và doanh nghiệp cung cấp các loại vật liệu xây dựng, thành phố có thể trả lại tiền giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp theo quy định. Phương án tính toán kế hoạch 10 triệu căn nhà ở xã hội với cách làm trên, ngân sách Nhà nước sẽ thu được 33.100 tỷ đồng mà không phải bỏ kinh phí ra.
Ông Đường cho rằng, khi đó việc xây dựng nhà ở xã hội không có gì khó. Nhu cầu đối với sản phẩm mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 rất nhiều nên sản phẩm làm ra dễ được hấp thụ. Khi thị trường đã có nhà ở xã hội giá phù hợp, giá nhà ở thương mại đương nhiên phải giảm.
Tại buổi chia sẻ, ông Nguyễn Hữu Đường cũng tuyên bố từ nay về sau không làm nhà ở thương mại nữa dù doanh nghiệp đang có "đất vàng" để triển khai loại hình nhà ở này.
Ông cho biết chỉ tập trung làm nhà ở xã hội để phục vụ cho người lao động và người nghèo. Ngoài ra, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác có việc làm.
Ông cũng thừa nhận làm nhà ở thương mại là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn, không dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên doanh nhân này cho rằng việc phát triển nhà ở thương mại cần có sự tính toán, tránh rơi vào tình trạng như thị trường bất động sản Trung Quốc khi đang có hàng trăm triệu căn nhà không có người ở và rất nhiều khu đô thị ma.
"Nhà ở phải bán cho người có nhu cầu và thu nhập đủ mua được nhà. Làm nhà ở bán mấy trăm triệu/m2 không ai mua được. Các ông lớn làm nhà ở thương mại cũng phải xem xét lại" , ông Nguyễn Hữu Đường bày tỏ quan điểm.
Ông cũng chia sẻ về khó khăn khi muốn xây dựng nhà ở xã hội trong nội thành thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp này hiện có 2 khu đất tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội xin làm nhà ở xã hội và đã được thành phố đồng ý.
Theo Nghị định 30 về nhà ở xã hội cho biết 20 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ thì phải cấp chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên đến nay sau 3 năm TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư với một dự án với lý do là đây là khu đất vàng. TP Hà Nội đề nghị doanh nghiệp triển khai làm nhà ở thương mại để thu được ngân sách, tránh lãnh phí quỹ đất vàng.
"Làm nhà ở xã hội theo tôi luật quy định rất rõ ràng, ưu tiên, khuyến khích nhưng UBND các tỉnh thành phố vướng vào vấn đề thu ngân sách nên không UBND tỉnh, thành phố nào ủng hộ các doanh nghiệp có đất vàng làm nhà ở xã hội" , ông Đường chia sẻ.