Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế so với thời điểm cuối năm 2022 đạt 5,73%. Cùng thời điểm này năm trước, tăng trưởng đạt 10,54%.
Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75%, so với cùng kỳ năm 2022 là 2,49%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, so với cùng kỳ là 4,04%.
GSO lý giải rằng nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp.
Trước đó theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% vào cuối tháng 8.
Từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của toàn ngành khoảng 14-15% và cũng đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng là 14%. Như vậy, trải qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch đề ra.
Theo NHNN, sau 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động trễ của chính sách tiền tệ, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, cơ cấu tín dụng cơ bản đã tập trung vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát.
Về tín dụng xã hội, đến ngày 25/9, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 69.500 tỷ đồng, với hơn 1,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong năm.