Thời sự

Tăng trưởng GDP Việt Nam tụt dốc như giai đoạn COVID, liệu những điều tồi tệ nhất đã qua?

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố mức tăng trưởng GDP quý I/2023 là 3,32% (thấp tương đương giai đoạn COVID-19), cuối ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần thứ hai trong tháng thông báo hạ lãi suất điều hành, bao gồm cả giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5% một năm.

Trước đó, hôm 14/3, NHNN cũng đã giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm.

Đánh giá về quyết định hai lần hạ lãi suất chỉ trong vòng 1 tháng, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng đây là quyết định táo bạo, nhưng phù hợp và cần thiết. Đáng chú ý nhất là mức cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng do khả năng hỗ trợ sang nền kinh tế thực.

Theo MBKE, "suy giảm vĩ mô chắc chắn thúc giục các nhà hoạch định chính sách bước ra khỏi vùng an toàn, ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế và phản ứng nhanh chóng".   

 

Những gì xấu nhất của nền kinh tế đã qua?

Trước khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế quý I, giới chuyên gia đã nhận định tăng trưởng sẽ ở mức thấp, tuy nhiên số liệu tăng trưởng GDP quý I thực tế đã thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. 

Trong quý đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020). 

Ngoài GDP, các số liệu vĩ mô khác như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, PMI, FDI, tăng trưởng GRDP của một số tỉnh thành là trung tâm sản xuất đều cho thấy một bức tranh xấu. 

 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, có thể những gì xấu nhất của nền kinh tế đã đi qua. Nền kinh tế có một “cánh cửa hẹp” để tình hình trở nên tích cực hơn rất nhiều vào thời điểm giữa năm nay.

"Kinh tế vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhờ được bù đắp từ giải ngân đầu tư công. Năm 2023, ngân sách có ít nhất 31 tỷ USD dành cho đầu tư công và 90% trong số đó đã được giao chỉ tiêu cho các bộ ngành, địa phương. Nếu chi được 90% của 31 tỷ USD thì sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm”, ông Thành cho hay.

Một động lực khác nữa đến từ hoạt động dịch vụ và sức mua của thị trường nội địa. Chuyên gia nhấn mạnh nếu lĩnh vực này vẫn tiếp tục đà phục hồi, sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viên Tài chính), quý I xấu nhất đã qua, từ cuối quý II trở đi, tình hình sẽ tích cực hơn nhiều. "Các rủi ro bên ngoài cũng đã tạm lắng. Áp lực về lạm phát, tỷ giá, thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu phần nào đã đi qua", ông nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh điểm đáng chú ý nhất trong quý I là bước chuyển chính sách. Từ đầu năm đến đầu tháng 4, Chính phủ ban hành ba chính sách lớn hỗ trợ nền kinh tế, cụ thể là thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. NHNN cũng đã hai lần hạ lãi suất điều hành.

"Hai vấn đề lớn nhất của Việt Nam là sức cầu trong nước và bên ngoài yếu; và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Điểm tích cực là chúng ta thấy xuất hiện thường xuyên hơn các giải pháp, sửa đổi, khó khăn đang được tháo gỡ dần", ông nói thêm.

 

Kịch bản nào chờ đợi ở phía trước? 

Với số liệu vĩ mô không quá khả quan trong quý I và triển vọng xấu đi của kinh tế toàn cầu, khả năng có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Chính phủ là khá khó khăn khi tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại của năm cần đạt mức trung bình 7,5%.  

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại từ 6,7-7,9%.   

Sau khi có kết quả tăng trưởng GDP quý I, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm về mức 5% (mức dự báo trước đó là 5,6%); UOB cũng hạ dự báo xuống 6%.

Ở góc độ chuyên gia, theo ông Nguyễn Xuân Thành, tăng trưởng GDP quý II sẽ vẫn tiếp tục thấp dù có sự cải thiện hơn so với quý I. Ông cũng dự báo tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% do nền kinh tế mất đi hai động lực là xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.  

Về kinh tế toàn cầu, theo ông Thành, cần lưu ý đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tác động tích cực đến Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc có thể bù đắp cho suy giảm tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ, EU. Ngoài ra, khu vực dịch vụ dự báo phục hồi rõ nét hơn, đặc biệt là khi sắp tới sẽ có thêm tác động từ khách du lịch Trung Quốc. 

Về thách thức, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng sự phục hồi của Trung Quốc có thể gián đoạn hoặc không mạnh. Sự phục hồi có thể mang tính tự động khi mở cửa hậu COVID. Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm nay ở mức 5%. Hơn nữa, nước này cũng sẽ không có kích cầu mạnh từ tài khóa và tiền tệ.

Một lo ngại khác đến từ áp lực giá nguyên liệu và cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, cạnh tranh có thể gia tăng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tại thị trường nội địa.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng sẽ phục hồi kể từ nửa sau năm 2023 nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm ở mức trung bình, sức cầu bên ngoài được cải thiện, xuất khẩu của Việt Nam có thể có thêm nhiều hy vọng.

Một yếu tố khác nữa có thể tác động tích cực là mặt bằng lãi suất và lạm phát nếu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và tiêu dùng.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 08 có thể chưa giải quyết được hoàn toàn sức ép điểm rơi đáo hạn trái phiếu vào quý II và quý III. Để thị trường trái phiếu có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, đặc biệt là cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Dự báo về chính sách tiền tệ giai đoạn tới, các chuyên gia của MBKE cho rằng với dự báo đỉnh lãi suất của Fed có thể là 5% vào tháng 5, sau đó cắt giảm 50 bps (điểm cơ bản) trong nửa cuối 2023, nhiều khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 50 bps vào khoảng giữa năm và 50 bps nữa vào năm tới. 

"Trước tình hình suy thoái kinh tế hiện nay nghiêm trọng như giai đoạn COVID, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Tốc độ và quy mô có thể sẽ phụ thuộc vào lạm phát trong nước và lãi suất của Fed. Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ nằm trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ giúp NHNN có thêm thời gian để điều hành chính sách tiền tệ", chuyên gia của MBKE cho hay.    

Cùng chuyên mục

Đọc thêm