*Bài viết là chia sẻ của Tara Abhasakun – cô gái 28 tuổi hiện sinh sống tại Thái Lan.
"Con có bạn trai chưa?", đó là câu hỏi mà gia đình hỏi tôi bất cứ khi nào chạm mặt. Tôi cũng tin là nhiều người châu Á cũng ở trong tình cảnh này. Tôi là người Thái Lan lai Iran. Ở cả 2 nền văn hóa này, phụ nữ được cho là nên kết hôn vào khoảng đầu đến giữa những năm 20 tuổi.
Tôi năm nay 28 tuổi. Không chỉ chưa lập gia đình, tôi còn độc thân đã khá lâu. Tôi hiểu mối lo lắng của gia đình và tôi cũng vậy. Nhưng thành thật mà nói, đồng hồ sinh học của tôi vẫn đang hoạt động.
Ảnh minh họa: Internet.
Mong muốn có con trỗi dậy lần đầu tiên trong tôi cách đây 3 năm, khi tôi 25 tuổi – độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Thái Lan, nơi tôi sinh sống 4 năm qua. Làm giáo viên tiếng Anh, tôi cảm thấy những đứa trẻ mới biết đi rất dễ thương. Tôi chưa muốn có con ngay nhưng muốn sinh con vào đầu những năm 30 tuổi.
Tôi tưởng tượng mình sẽ hạnh phúc với một đứa trẻ nhưng sau này tôi nhận ra mình muốn nhiều hơn thế. Nhưng việc vẫn độc thân ở độ tuổi cuối 20 cũng như không có triển vọng tìm kiếm bạn đời nghiêm túc khiến tôi thấy những mục tiêu trên ngày càng xa dần.
Hẹn hò ở Bangkok thật khó, hoặc ít nhất là đối với tôi. Tôi lớn lên ở Mỹ và cảm thấy khó khăn khi hẹn hò với đàn ông Thái Lan vì sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Trong khi đó, những người chuyển đến đây từ các quốc gia khác chỉ ở lại vài năm và thường không tìm kiếm mối quan hệ lâu dài.
Tôi đã cố gắng để tìm người hòa hợp đồng thời tích cực theo đuổi các mục tiêu khác như công việc ổn định, học ngoại ngữ, kỹ năng mới và đi du lịch. Tôi cảm thấy những người trạc tuổi mình không phải đối tượng phù hợp.
Khả năng sinh sản của nam giới kéo dài hơn phụ nữ. Không chịu áp lực từ đồng hồ sinh học, họ có thời gian hẹn hò lâu hơn, có nhiều bạn tình khác nhau và phát triển sự nghiệp cho đến khi cảm thấy đủ ổn định để bắt đầu xây dựng gia đình. Trong khi đó, phụ nữ ở đỉnh cao sinh sản từ cuối tuổi thời thiếu niên đến gần tuổi 30. Khả năng này bắt đầu giảm ở tuổi 30 và khó thụ thai hơn từ năm 30 - 45 tuổi.
Sự khác biệt rõ rệt này gây ra những hậu quả xã hội đáng kể. Vì đàn ông không phải bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai sớm như phụ nữ nên về cơ bản, họ có thêm một thập kỷ để trải nghiệm mọi thứ. Dù còn lâu mới đến 45 tuổi nhưng tôi đã thấy sợ khi già đi mỗi năm. Tôi như đang chạy đua để sống cuộc sống của mình – một cuộc đua mà tôi đã bị tụt lại phía sau.
Tôi có công việc nhưng vẫn chưa có nhà hay tiền tiết kiệm đủ để lo cho một gia đình. Tôi muốn có con sau khi kết hôn nhưng để kết hôn, tôi phải hẹn hò và lý tưởng nhất là phải có một mối quan hệ ổn định trong vài năm.
Nếu tôi muốn sinh con đầu lòng vào năm tôi 32 tuổi (để tránh các vấn đề về khả năng sinh sản), thì tôi không còn nhiều thời gian. Vì thế, tôi cần gặp ai đó phù hợp ngay từ bây giờ.
Phụ nữ chịu nhiều áp lực hơn khi chuyển từ tuổi 20 vui vẻ, vô tư sang tuổi 30 có trách nhiệm. Mọi người thường nói rằng chúng ta có thể vừa thành công vừa làm người mẹ tốt nhưng lại không ai nói cần làm gì để đạt được điều đó.
1 năm rưỡi nữa là bước sang tuổi 30, tôi đột nhiên muốn dừng lại. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Vì vậy, tôi bất chấp những kỳ vọng và thay đổi quan điểm cá nhân. Tôi vẫn muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Tôi có thể không có bạn trai nhưng có một nhóm bạn thân thiết. Tôi có thể không có con trước tuổi 30, nhưng có lẽ điều đó sẽ chuẩn bị cho tôi để trở thành người mẹ tốt hơn.
Một điều hữu ích là đọc về những người phụ nữ hạnh phúc khi có con. Đôi khi tôi tìm kiếm những câu chuyện như vậy trong sách, tạp chí và các cuộc trò chuyện hàng ngày.
Tôi cũng đọc nhiều bài báo nói rằng các bà mẹ có cái nhìn thoải mái hơn về cuộc sống so với khi còn trẻ. Điều này giúp họ bình tĩnh hơn khi con quấy khóc hoặc ốm đau. Tôi tin rằng mọi thứ sẽ ổn.
Nguồn: Vice