Tâm điểm vĩ mô tháng 4 chính là cú sốc về thuế quan do Mỹ công bố ngày 02/04/2025 đã tạo ra tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế của Việt Nam khi Mỹ đưa ra mức thuế có qua có lại gần như cao nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Mặc dù mức thuế 46% đã được tạm hoãn trong 90 ngày chờ kết quả đàm phán, tuy nhiên mức thuế 10% cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn. Đồng thời, diễn biến bất định phía trước sẽ làm suy giảm động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025.
Vậy đâu là những yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 4 và các tháng tiếp theo.
Tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 đạt 6,93%, thấp hơn kỳ vọng do lĩnh vực công nghiệp và xây dựng phục hồi ở mức thấp hơn so với cùng kỳ dù được hưởng lợi từ hiệu ứng mức nền thấp.
Đáng chú ý, đây là quý mà Việt Nam chưa chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan. Vì vậy, tăng trưởng trong những quý tiếp theo sẽ khó khăn khi động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu ngấm dần đòn thuế từ Mỹ.
Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng mục tiêu này rất thách thức sau tuyên bố thuế quan của Mỹ vào ngày 2/4, bất kể kết quả đàm phán do tác động tính bất định của chính sách thuế quan lên niềm tin kinh doanh và tiêu dùng.
Theo báo cáo triển vọng vĩ mô từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong kịch bản tiêu cực nhất là mức thuế 46%, ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy cú sốc thuế quan có thể khiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 giảm từ 0,7- 1,5 điểm %.
Cú sốc thuế quan có thể không tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế như cú sốc COVID- 19 vào năm 2021, tuy nhiên, tác động trong trung và dài hạn sẽ lớn hơn do những bất ổn về chính sách thương mại kéo dài.
Xuất khẩu sụt giảm vì thương chiến

Dự báo tác động thuế quan đến ngành xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: VDSC).
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến thuế quan đã ngay lập tức ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam khi tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4) đạt 35,44 tỷ USD, giảm 10,6% (tương ứng giảm 4,2 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3 (từ ngày 16/3 đến hết ngày 31/3).
Cụ thể, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 16,75 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3. Lũy kế, tính đến hết 15/4, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam 119,59 tỷ USD, tăng 10,91% (tương ứng tăng 11,77 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 18,69 tỷ USD, giảm 2,4% (tương ứng giảm 0,46 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3. Lũy kế, tính đến hết 15/4, tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam đạt 118,37 tỷ USD, tăng 15,66% (tương ứng tăng 17,25 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong nửa đầu tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,08 tỷ USD đưa cán cân thương mại từ đầu năm đến ngày 15/4, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,07 tỷ USD.
Việc xuất khẩu giảm tới 18,3% trong nửa đầu tháng 4 cho thấy tác động rất lớn của cuộc chiến thuế quan.
Các nhà phân tích VDSC đánh giá cú sốc thuế quan sẽ gây ra tác động cả trực tiếp và gián tiếp đối với tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng GDP và tác động đến các ngành nghề.
Với mức thuế đối ứng hiện áp dụng khoảng 10% của Mỹ đối với Việt Nam, các nhà nhập khẩu có thể tăng trữ hàng trong ngắn hạn để tránh rủi ro thuế quan tăng sau khi có kết quả đàm phán Mức thuế tăng thêm. Tuy nhiên, dư địa cắt giảm biên lợi nhuận của nhà sản xuất và nhập khẩu bị triệt tiêu dần và chi phí tăng thêm được chuyển sang người tiêu dùng cuối cùng.
Đồng thời, nếu bị áp thuế cao hơn cácnhà nhập khẩu tìm kiếm sản phẩm thay thế và về lâu dài sẽ tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, rủi ro tiềm tàng vẫn phụ thuộc vào kết quả đàm phán của Việt Nam với Mỹ.
Đầu tư công đẩy mạnh
Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử là việc Chính phủ vừa đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án nhân dịp 30/4/2025. Đây là quy môLễ khởi công, khánh thành lớn nhất từng được tổ chức đến nay.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn khởi công 305.000 tỷ, tổng vốn các dự án khánh là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.

Chính phủ vừa khởi công, khánh thành đồng thời 80 dự án trị giá 455.000 tỷ đồng. (Ảnh: VGP).
Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công. Theo nhận định từ các nhà phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh trong thời gian tới, và được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong 2025.
Trong bối cảnh thách thức bên ngoài gia tăng, việc thực hiện được mục tiêu giải ngân đầu tư công thêm 21% so với năm 2024 lên 825.900 tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân từ 95% lên 100% là một trong các động lực then chốt quyết định đến tăng trưởng năm nay.

Giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - nay. (Nguồn: Mirae Asset Việt Nam).
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4−4,5% GDP (so với ước tính trước đó là 3,8% và số liệu năm 2024 là 3,4%) để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài so với GDP có thể đến ngưỡng cảnh báo (hoặc vượt ngưỡng khoảng 5% GDP).
Với những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, kỳ vọng giải ngân đầu tư công năm nay có thể bứt phá nhưng cũng chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực của xuất khẩu.
Có hay không cơ hội từ thương chiến Mỹ - Trung?
Do chênh lệch thuế quan giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn nên các nhà xuất khẩu Việt Nam có cơ hội nhận thêm đơn hàng từ Mỹ nhờ vào việc hàng Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế đối với các sản phẩm hàng hoá Trung Quốc bị áp thuế cao. Các ngành có cơ hội nhiều nhất gồm: Đồ chơi, giày dép, nội thất, điện thoại, dệt may, nhựa...
Tuy nhiên, cơ hội đến từ chênh lệch thuế quan là “khe cửa hẹp” này cũng đi kèm với rủi ro rất lớn bởi Mỹ có thể gia tăng cáo buộc Việt Nam trong vấn đề chuyển hàng có xuất xứ từ Trung Quốc do phần lớn nguyên vật liệu Việt Nam để sản xuất đến từ Trung Quốc và rủi ro thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục mở rộng khiến cho việc đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Đó là chưa kể, thương chiến Mỹ - Trung có thể khiến năng lực sản xuất của Trung Quốc bị dư thừa khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị hạn chế, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác bao gồm Việt Nam làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội đia.