Việc có một đầu nối chuẩn để cấp nguồn và sạc cho tất cả thiết bị sẽ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Nhiều người cho rằng USB-C có thể giải quyết điều này, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản để USB-C trở nên phổ biến trên các thiết bị điện tử.

USB-C đang dần phổ biến nhưng vẫn có những hạn chế nhất định
ẢNH: REUTERS
Nhiều thiết bị vẫn sử dụng đầu nối Lightning và giắc cắm riêng, với nguyên nhân bắt nguồn từ các lý do nhất định của các nhà sản xuất, không chỉ chi phí thực tế mà còn các vấn đề an toàn. Để tìm hiểu lý do tại sao USB-C vẫn chưa thể phổ biến, chúng ta hãy cùng nắm bắt các ưu nhược điểm của kết nối, cũng như các thách thức mà nó cần phải vượt qua.
Ưu điểm và thách thức với USB-C
USB-C có khả năng cung cấp đủ điện để sạc các thiết bị lớn như máy tính xách tay, đồng thời truyền dữ liệu với tốc độ cao. Cổng USB 3.2 Gen 1x2 có thể đạt tốc độ 10 Gbps, trong khi Thunderbolt 4 hỗ trợ tốc độ lên đến 40 Gbps và công suất tối đa 100W. Nhiều nhà sản xuất lớn như Apple, Meta và Samsung đã áp dụng USB-C cho các sản phẩm của họ, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức khi chỉ cần một loại cáp để sạc nhiều thiết bị khác nhau.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng không phải tất cả các cáp và cổng USB-C đều giống nhau. Hai cáp hoặc cổng USB-C có thể trông giống nhau nhưng lại có sự khác biệt lớn về chất lượng và hiệu suất. Để tận dụng tối đa lợi ích của USB-C, cáp và cổng cần phải sử dụng phiên bản USB 3.2 hoặc USB 4. Tuy nhiên, nhiều cáp giá rẻ hiện nay vẫn sử dụng chuẩn cũ, dẫn đến tốc độ truyền dữ liệu chậm và không an toàn.
Apple có chịu dùng cổng USB-C, bỏ cổng lightning?
Cáp giá rẻ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, từ việc làm hỏng thiết bị đến nguy cơ cháy nổ. Người dùng nên tìm kiếm cáp được chứng nhận USB-IF để đảm bảo an toàn cho thiết bị của mình. Mặc dù cáp chất lượng cao có thể tốn kém hơn, nhưng việc đầu tư vào sản phẩm chất lượng sẽ giúp tránh những rủi ro không đáng có.
Bên cạnh đó, việc thiết kế và sản xuất thiết bị USB-C có thể tốn kém và nhiều công ty vẫn chọn sử dụng các đầu nối cũ để tiết kiệm chi phí. Apple, một trong những ông lớn trong ngành công nghệ, vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang USB-C cho tất cả sản phẩm của mình. Mặc dù MacBook, iPad và các mẫu iPhone hiện đại đã chuyển sang USB-C nhưng một số dòng iPhone đời cũ vẫn tiếp tục sử dụng đầu nối Lightning. Điều này có thể do lợi nhuận từ việc cấp phép Lightning cũng như lo ngại về khả năng chống thấm nước.
Cuối cùng, USB-C cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp công suất cao hơn cho các thiết bị yêu cầu nhiều điện năng. Mặc dù USB-C có thể cung cấp tối đa 100W, nhiều thiết bị cao cấp hơn cần nhiều hơn thế. Với sự ra đời của USB 4, mọi thứ có thể thay đổi. USB 4 chỉ sử dụng đầu nối USB-C và có thể cung cấp công suất lên đến 240W, đủ để hỗ trợ nhiều thiết bị điện tử hơn.
Sự chuyển mình này không diễn ra ngay lập tức, nhưng việc áp dụng USB 4 và loại bỏ các cổng USB-A cũ có thể là bước cần thiết để USB-C trở thành cổng kết nối tiêu chuẩn mà người dùng đang chờ đợi.