Doanh nghiệp

Tại sao khi xem thời sự luôn “sạch” quảng cáo, còn gameshow hay phim truyền hình thì quảng cáo nhiều lấn lướt cả nội dung?

Với các tập đoàn, công ty lớn, hoạt động quảng cáo marketing đóng vai trò quan trọng đồng thời chiếm tỷ trọng không nhỏ trong chi phí. Các chương trình quảng cáo được đầu tư bài bản, quy mô và người thực hiện nắm rõ quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên, với những cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ đang triển khai hoạt động quảng cáo một cách tự phát, có thể chưa nắm được hết các quy định Phát luật trong lĩnh vực này, dẫn đến tình trạng không khó bắt gặp những quảng cáo "không đúng luật" thường xuyên xuất hiện.

Những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được điều chỉnh theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Mới đây, Nghị định 129/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP (Nghị định 38) bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin bổ ích. Ví dụ, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao không bắt gặp quảng cáo thuốc lá hoặc rượu mạnh trên tivi? Đó là bởi vì quảng cáo thuốc lá hay rượu có nồng độ cồn trên 15 độ có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Tương tự quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo cũng nằm trong nhóm phạt này.

Những chiêu trò quảng cáo và những điều bạn cần biết về quy định pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. - Ảnh 1.

Sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (thay vì dưới 12 tháng tuổi như trước đây) bị cấm quảng cáo

Mạnh tay hơn, nếu quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định; các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục hay súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực còn có thể bị phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng

Người xem truyền hình hay than phiền về việc xem phim gặp quá nhiều quảng cáo. Chúng ta hãy thử xem điều 40 trong Nghị định 38 quy định như thế nào về việc quảng cáo trên tivi

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

b) Quảng cáo trong chương trình thời sự;

c) Quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;

d) Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình;

đ) Quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

e) Quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

Biết quy định này rồi, từ nay xem phim trên đài truyền hình, bạn có muốn thử đếm xem mỗi chương trình phim truyện có bao nhiêu quảng cáo, mỗi quảng cáo chiếu trong bao nhiêu phút không?

Nhân tiện, bạn cũng có thể tìm được câu trả lời cho việc tại sao xem thời sự luôn sạch quảng cáo sau khi đọc quy định này rồi chứ?

Nghị định 38 cũng có quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định."

Quy định này liệu có thể góp phần "dẹp loạn" bớt những danh hiệu tự phong như "Vua canxi tốt nhất thế giới", “Sắt canxi tốt nhất cho bà bầu", "Vitamin D3 hấp thụ tối đa canxi cho bé"... đang tràn ngập trên mạng?

Những chiêu trò quảng cáo và những điều bạn cần biết về quy định pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. - Ảnh 3.

Mới đây, Nghị định 129/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2022, có bổ sung thêm một số nội dung góp phần giải quyết vấn nạn "quảng cáo lập lờ" của các mặt hàng thực phẩm bổ sung sức khoẻ, cụ thể:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. "

Việc bổ sung quy định này được cho là rất hợp lý khi thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ngày nay được quảng cáo rất nhiều, đánh vào tâm lý lo lắng cho sức khoẻ của người dân. Không hiếm tình trạng "nói quá" tác dụng hoặc "lập lờ" thông tin khiến nhiều người tiêu dùng tưởng nhầm sản phẩm mình mua là thuốc. Thậm chí, có những sản phẩm "liều" đến mức sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ y tế để quảng cáo.

Năm 2020, một sản phẩm Tiêu guot từng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người tiêu dùng không mua hàng trên trang web https://goutdaodinhnhuan.com/ do có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, đưa ra một số thông tin không rõ ràng, chưa được kiểm chứng, vi phạm quy định pháp luật.

Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo nêu trên, tại trang web này vẫn tiếp tục quảng cáo trá hình công năng sản phẩm như thuốc điều trị. Thậm chí, một người đàn ông giới thiệu là lương y tuyên bố chắc nịch: “Tôi cam kết ai bị gout sử dụng đúng liệu trình sẽ khỏi hoàn toàn”.

Những cảnh báo của cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) được cập nhật rất thường xuyên trên website của cơ quan này nhưng không có chế tài rất khó xử phạt các đơn vị vi phạm.

Những chiêu trò quảng cáo và những điều bạn cần biết về quy định pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. - Ảnh 4.

Hình ảnh chụp từ Website của Cục An Toàn thực phẩm

Ngoài thực phẩm bảo vệ sức khoẻ còn có thực phẩmmỹ phẩm là hai nhóm sản phẩm được bổ sung thêm trong Nghị định lần này.

"Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng theo một trong các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường."

"Phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình. Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định."

Cùng chuyên mục

Đọc thêm