"Vũ khí dầu mỏ"
Trong những năm 1950 và 1960, Mỹ kiểm soát tới 90% tổng lượng dầu xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Đến năm 1969, sản lượng dầu nội địa của Mỹ đã đạt đỉnh và không thể theo kịp với nhu cầu ngày càng tăng từ các phương tiện giao thông. Mỹ đã nhập khẩu 350 triệu thùng mỗi năm vào cuối những năm 1950, chủ yếu từ Venezuela và Canada. Do chi phí vận chuyển và thuế quan, họ không bao giờ mua nhiều dầu từ Trung Đông. Từ năm 1970-1973, nhập khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, đạt 6,2 triệu thùng/ngày vào năm 1973, Trung Đông chiếm tới 66% nguồn cung dầu.
Các nước Arab sản xuất dầu đã cố gắng sử dụng dầu làm đòn bẩy để tác động lên các sự kiện chính trị. Lần đầu tiên là Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 khi Anh, Pháp và Israel xâm lược Ai Cập. Trong cuộc xung đột, người Syria đã phá hoại cả đường ống xuyên Arab và đường ống Iraq-Baniyas, làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu cho Tây Âu. Trường hợp thứ hai là vào năm 1967, khi chiến tranh giữa Ai Cập và Israel nổ ra nhưng lệnh cấm vận chỉ kéo dài vài tháng.
Mặc dù một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Arab (OAPEC) ủng hộ việc sử dụng dầu mỏ làm vũ khí để tác động đến kết quả chính trị của cuộc xung đột Arab-Israel, Saudi Arabia từ trước đến nay vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc tách dầu khỏi chính trị. Người Saudi Arabia đã cảnh giác với chiến thuật này do nguồn dầu sẵn có từ các nước sản xuất dầu không thuộc thế giới Arab, và các chế độ quân chủ bảo thủ trong khu vực đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây để đảm bảo sự tồn tại của họ.
Ngày 6/10/1973, Ai Cập tấn công phòng tuyến Bar Lev ở Bán đảo Sinai và Syria tiến hành một cuộc tấn công ở Cao nguyên Golan, cả hai đều đã bị Israel chiếm đóng trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Ngày 12/10/1973, Tổng thống Mỹ Nixon cho phép triển khai Chiến dịch Nickel Grass, một cuộc không vận chiến lược để chuyển vũ khí và vật tư cho Israel nhằm bổ sung những tổn thất về vật chất, sau khi Liên Xô bắt đầu gửi vũ khí tới Syria và Ai Cập. Để trừng phạt việc cung cấp vũ khí cho Israel, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để ngừng cung cấp dầu cho Mỹ và Châu Âu.
Ngày 17/10, các nhà sản xuất dầu Arab cắt giảm sản lượng 5% và thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các đồng minh của Israel - Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Rhodesia, Nam Phi và Bồ Đào Nha. Đến tháng 12, sản lượng đã bị cắt giảm xuống còn 25% so với mức của tháng 9. Lệnh cấm vận đã gây ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, hay còn gọi là "cú sốc", với nhiều tác động ngắn hạn và dài hạn đối với nền chính trị và kinh tế toàn cầu, cho đến ngày nay vẫn được coi là lớn nhất trong lịch sử.
Khi lệnh cấm vận kết thúc vào tháng 3/1974, giá dầu đã tăng gần 4 lần trên toàn cầu, gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu, những người đã quy lỗi cho Mỹ vì đã kích động lệnh cấm vận.
Hệ lụy
Trên bình diện quốc tế, việc tăng giá đã làm thay đổi vị thế cạnh tranh trong nhiều ngành. Tại các trạm xăng ở phương Tây, xe xếp hàng dài nhiều kilomet; một số quốc gia đưa ra quy định hạn chế tiêu thụ xăng dầu hàng ngày đối với các phương tiện cá nhân; bắt đầu xuất hiện những chiếc xe ô tô cỡ nhỏ thành thị thay vì những chiếc xe limousine sang trọng nhưng tốn xăng vốn có nhu cầu trong những năm 50 và 60. Nền kinh tế không thể tăng trưởng nếu không tiêu thụ một lượng lớn xăng và các sản phẩm dầu mỏ khác. Lệnh cấm vận khiến các công ty dầu mỏ phải tìm kiếm những cách thức mới để tăng nguồn cung dầu, cả ở những địa hình hiểm trở như Bắc Cực.
Từ tháng 5/1973 đến tháng 6/1974, tại Mỹ, giá bán lẻ trung bình của một gallon xăng thông thường tăng 43%. Chính quyền các bang yêu cầu người dân không treo đèn Giáng sinh. Oregon đã cấm hoàn toàn lễ Giáng sinh và chiếu sáng thương mại. Các chính trị gia kêu gọi một chương trình phân phối xăng dầu quốc gia, yêu cầu các nhà bán lẻ xăng dầu tự nguyện không bán xăng vào các tối cuối tuần.
Sự gián đoạn sản xuất, phân phối và giá cả là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, thời kỳ lạm phát quá mức, năng suất giảm và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Một số nhà nghiên cứu coi "cú sốc giá dầu" năm 1973 và các năm 1973–74 đi kèm sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có ảnh hưởng dai dẳng đến nền kinh tế Mỹ, đòi hỏi giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh năng lượng.
Anh, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Na Uy cấm bay, lái xe và chạy thuyền vào Chủ nhật. Thụy Điển cắt giảm xăng và dầu cho việc sưởi ấm. Hà Lan áp dụng án tù cho những người sử dụng nhiều hơn khẩu phần điện của họ. Trong số 9 thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), Hà Lan phải đối mặt với một lệnh cấm vận hoàn toàn. Anh và Pháp nhận được nguồn cung gần như không bị gián đoạn, là phần thưởng vì họ đã từ chối cho phép Mỹ sử dụng các sân bay và ngừng cung cấp vũ khí, vật tư cho cả người Arab và Israel.
Sáu quốc gia EEC khác phải đối mặt với việc cắt giảm một phần. Mặc dù ít bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận, Vương quốc Anh vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng; một loạt các cuộc đình công của công nhân khai thác than và đường sắt trong mùa đông năm 1973–74 đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự thất bại của chính phủ Công đảng. Chính phủ Bảo thủ mới yêu cầu người Anh chỉ sưởi ấm một phòng trong nhà của họ trong suốt mùa đông. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế và tạo ra rạn nứt trong NATO.
Một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản đã tìm cách tách mình khỏi chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông để tránh trở thành mục tiêu của cuộc tẩy chay. Trong khi đó, Liên Xô trở thành nhà cung cấp năng lượng độc quyền và kiếm được rất nhiều tiền - thu từ xuất khẩu dầu mỏ đạt 200 tỷ USD/năm, ngân sách nhà nước rủng rỉnh. Giữa và cuối những năm 1970 được coi là “thời kỳ hoàng kim” của Liên Xô . Để giải quyết vấn đề trên, chính quyền Nixon đã bắt đầu các cuộc đàm phán đa phương, sắp xếp để Israel rút khỏi Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Lời hứa về một thỏa thuận giữa Israel và Syria đủ để thuyết phục các nhà sản xuất dầu Arab dỡ bỏ lệnh cấm vận vào tháng 3/1974.
Hôm 8/3/2022, Nhà Trắng đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, Anh cam kết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày xuất khẩu qua đường biển của Nga bị gián đoạn. Đó sẽ là sự gián đoạn lớn thứ năm kể từ Thế chiến II, sau cuộc cấm vận dầu mỏ năm 1973, Cách mạng Iran năm 1979, chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và chiến tranh Iraq-Kuwait năm 1990. Trong một báo cáo công bố hôm 9/3, Rystad Energy cảnh báo, nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp bước Mỹ cấm vận dầu của Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên tới 240 USD/thùng vào mùa hè này.
Một động thái như vậy sẽ tạo ra lỗ hổng 4,3 triệu thùng mỗi ngày trên thị trường mà đơn giản là không thể nhanh chóng thay thế bằng các nguồn cung khác, khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu một cú sốc năng lượng lớn. Các biện pháp trừng phạt chống Nga đã khiến giá dầu, khí đốt và kim loại trên thị trường thế giới tăng - điều có tác động tích cực đến việc thu ngân sách của Nga. Như vậy, các biện pháp kinh tế được thiết kế để "trừng phạt" Nga vì chiến dịch của họ ở Ukraine có thể phản tác dụng.