Tổ hợp NovaWorld Phan Thiet (Phan Thiết, Bình Thuận) có quy mô hơn 1.000 ha và tổng mức đầu tư 5 tỷ USD do Novaland phát triển. (Ảnh: Novaland).
Sau những khó khăn hiện hữu từ tháng 11 năm ngoái, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ. Thông tin tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư ngày 10/2, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang xem xét thực hiện ba phương án: (1) Đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản. Phía doanh nghiệp không công bố thêm thông tin chi tiết về quá trình tái cơ cấu.
Novaland là một trong hai doanh nghiệp bất động sản niêm yết có tổng tài sản lớn nhất thị trường với gần 260.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022. Con số này gấp gần 10 lần so với quy mô tài sản vào cuối năm 2015.
Trong đó, hơn 52% tổng tài sản của doanh nghiệp là giá trị hàng tồn kho (tập trung chủ yếu ở các đại đô thị Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram); 20,6% là các khoản phải thu ngắn hạn (52.982 tỷ đồng); 16,9% là các khoản phải thu dài hạn (43.511 tỷ đồng). Các khoản phải thu này bao gồm tiền hợp tác đầu tư phát triển dự án và đặt cọc nhận chuyển nhượng bất động sản, ký quỹ dự án,…
Thông qua 91 công ty con và 8 công ty liên kết, Novaland đã và đang phát triển hơn 50 dự án tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận,…) với quỹ đất hơn 10.000 ha.
Các đại đô thị Novaland đang phát triển có Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa-Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Phan Thiết, Bình Thuận) với quy mô mỗi dự án khoảng 1.000 ha, riêng tổ hợp ở Phan Thiết có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD.
Kể từ khi triển khai các dự án đại đô thị nói trên vào năm 2019, quy mô tài sản của Novaland tăng mạnh qua các năm, lượng tiền nắm giữ đạt đỉnh trên 18.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường bất động sản khó khăn vào cuối năm ngoái khiến hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp chững lại, trong đó có Novaland. Doanh số bán hàng quý IV/2022 đạt 393 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ chủ yếu do niềm tin của người mua nhà bị ảnh hưởng. Cả năm 2022, tổng giá trị hợp đồng bán hàng của Novaland đạt 3,5 tỷ USD (đi ngang so với năm 2021), chủ yếu đến từ Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram .
Dòng tiền của Novaland cũng gặp khó khăn trước nhiều khoản nợ đến hạn, bao gồm cả nợ trái phiếu và nợ ngân hàng. Tính đến cuối năm ngoái, Novaland ghi nhận tổng dư nợ vay gần 65.000 tỷ đồng (tăng 7% so với đầu năm nhưng gấp gần 2 lần vào cuối năm 2019), trong đó dư nợ vay dài hạn trên 39.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Novaland cho biết doanh nghiệp nỗ lực đàm phán với các đối tác để cơ cấu các khoản nợ từ cuối năm ngoái, cố gắng không rơi vào tình trạng không thể trả nợ, vi phạm và vi phạm chéo các khoản vay,…
Tính đến cuối năm 2022, lượng tiền nắm giữ (bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của Novaland còn hơn 8.900 tỷ đồng, giảm 50,6% so với cuối năm 2021 và rơi về mức thấp nhất trong ba năm qua. Tỷ trọng tiền trên tổng tài sản theo đó còn ở mức 3,47% - mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Hiện nay, Novaland tiếp tục trong quá trình làm việc với một hãng luật và công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young (EY) để đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland kể từ ngày 3/2. Chia sẻ về lần trở lại này, ông Bùi Thành Nhơn nói: “Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến.
Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”.
Hiện HĐQT Novaland còn 5 thành viên. Ông Bùi Xuân Huy tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của Thành viên HĐQT.
Trong diễn biến mới nhất, CTCP NovaReal, đơn vị phân phối bất động sản của Novaland, vừa gửi thông báo đến khách hàng: “Thanh khoản và dòng tiền của công ty đều gặp phải khó khăn và ngoài tầm kiểm soát. Do đó, công ty tạm hoãn thanh toán các khoản theo thỏa thuận ban đầu với quý khách”.
Trước năm 2019, Novaland tập trung phát triển nhà ở tại TP HCM trên tổng quỹ đất 671.874 m2, với hàng loạt dự án như: Lucky Palace (quận 6), Sunrise Riverside (Nhà Bè), cụm dự án ở Thủ Đức (Lakeview City, Lexington Residence, Tropic Garden Residence, The Sun Avenue Residence, Lucky Dragon Residence), cụm dự án quận 4 (Icon 56, Rivergate Residence, The Tresor Residence, Saigon Royal Residence), cụm dự án Phú Nhuận (GardenGate Residence, Kingston Residence, Orchard Garden , The Prince Residence, Golden Mansion, Orchard Parkview, Newton Residence) cùng một số dự án khác.
Kết quả kinh doanh của Novaland liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2018, biên lãi gộp duy trì trên 20% mỗi năm và đạt 33,7% vào năm 2018.
Đến năm 2019, thị trường bất động sản TP HCM bước vào trọng điểm rà soát đất đai, nhiều dự án của Novaland theo đó không thể triển khai như kế hoạch. Hoạt động bán hàng trong năm của Novaland chững lại do thủ tục pháp lý của các dự án tại TP HCM tắc nghẽn.
Nếu như lượng tiền nắm giữ (bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của Novaland liên tục tăng qua các năm và tăng hơn 73% trong năm 2018 thì ngay lập tức giảm 44% trong năm 2019. Tỷ trọng tiền trên tổng tài sản cũng rơi về mức thấp nhất trong 5 năm là 7,7%.
Cũng trong năm 2019, Novaland bắt đầu bước vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, ra mắt các đại đô thị gồm Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa-Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet