Gia đình tôi rất thích ăn gà ác tần thuốc bắc vì nghe nói tốt cho sức khỏe. Xin chuyên gia tư vấn tác dụng và cách chế biến loại gà này như thế nào là tốt nhất? Tôi cảm ơn! (Lệ Giang - TPHCM)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 tư vấn:
Gà ác là loại gà đặc biệt, lông trắng nhưng toàn thân đen, trọng lượng rất nhỏ, được nuôi để lấy thịt làm thức ăn và thuốc chữa bệnh nhờ giá trị dinh dưỡng cao, đóng vai trò điều hòa khí huyết, hỗ trợ phục hồi cơ thể sau bệnh.
Theo y học cổ truyền, thịt gà ác vị ngọt, tính bình, quy vào kinh tỳ, can, thận. Đây là vị thuốc có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng âm, kiện tỳ ích vị, ích tinh tủy, thích hợp với các chứng hư nhược, thiếu máu, khí hư, mệt mỏi kéo dài, đặc biệt sau bệnh nặng, sau phẫu thuật hoặc đối với người cao tuổi, phụ nữ sau sinh.

Phân tích theo y học hiện đại, gà ác chứa 18-20g protein/100g thịt, cung cấp đầy đủ các acid amin thiết yếu như lysine, leucine, isoleucine. Thịt gà ác cũng có hàm lượng sắt, kẽm, canxi, phốt pho cao, đồng thời chứa các hoạt chất sinh học như carnosine, anserine có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và tim mạch.
Thịt gà ác có lượng chất béo và cholesterol thấp hơn so với gà thường, phù hợp với người cần phục hồi thể lực.
Bạn có thể chế biến gà ác với các vị thảo dược như:
Câu kỷ tử (8-10g): Vị ngọt, tính bình, quy kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, dưỡng tinh huyết, sáng mắt. Theo y học hiện đại, kỷ tử chứa polysaccharide, betaine, zeaxanthin - các chất tăng miễn dịch, chống oxy hóa và bảo vệ võng mạc.
Táo đỏ (táo tàu) (4-6 quả): Có vị ngọt, tính ôn, tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng tỳ vị, an thần. Táo đỏ giàu vitamin C, flavonoid, giúp làm dịu thần kinh, điều hòa tiêu hóa và hỗ trợ hấp thu dược liệu.
Gừng tươi (2-3 lát): Vị cay, tính ấm, quy kinh tỳ vị, có tác dụng ôn trung, tán hàn, giúp món ăn dễ tiêu hơn, đồng thời điều hòa tính hàn của các dược liệu khác. Gừng chứa gingerol - hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm và bảo vệ đường tiêu hóa.
Ngải cứu hoặc tía tô (5-7g): Tùy thể trạng người dùng có thể thêm vào. Ngải cứu giúp điều huyết, trừ hàn, giảm đau. Tía tô giải cảm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm lạnh bụng.
Ngoài ra, bạn có thể hầm gà ác với thục địa, đương quy, đảng sâm…
Gà ác rửa sạch sẽ, đặt vào nồi cùng các vị dược liệu đã chọn. Đổ nước vừa ngập mặt, đậy nắp kín, đun nhỏ lửa trong 60–90 phút đến khi gà mềm, nước dùng đậm vị.
Tần suất sử dụng hợp lý
Người khỏe mạnh: 1 lần/tuần, để dưỡng sinh, bồi bổ nhẹ nhàng.
Người suy nhược, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh, hậu bệnh nặng: 1-2 lần/tuần, không quá 2 con/tuần.
Không nên sử dụng liên tục hằng ngày để tránh tình trạng “bổ quá mức”, gây tích nhiệt hoặc rối loạn chuyển hóa.
Lưu ý khi ăn gà ác
Tránh dùng món này trong giai đoạn cảm sốt, viêm cấp tính hoặc rối loạn tiêu hóa thể thực nhiệt.
Phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một số dược liệu có tính hoạt huyết nhẹ.
Trừ ngải cứu và tía tô, bạn nên mua các loại dược liệu được sao tẩm, sơ chế đúng quy chuẩn, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

Loại rau giàu canxi gấp 4 lần sữa, nhiều vitamin C gấp 7 lần cam
