Shein là công ty thời trang nhanh nổi tiếng của Trung Quốc. Nhờ cho ra mắt hàng nghìn kiểu dáng mới mỗi tuần với mức giá “bình dân”, thương hiệu này đã phát triển nhanh chóng và mở rộng ra khắp thế giới. Hiện Shein đang được định giá khoảng 15 tỷ USD và đã vượt qua cả những ông lớn như H&M và Zara để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh bán chạy nhất nước Mỹ.
Nhưng một bộ phim tài liệu mới của All4 đã phát hiện ra mặt tối của Shein. Bên trong đế chế triệu đô là hiện thực nhân viên nhà máy chỉ được trả 16,5 bảng Anh cho 17 giờ một ngày và bị phạt 3/4 tiền lương vì lỗi nhỏ nhất.
Một phóng viên bí mật của All4 đã vào hai trong số các nhà máy ở Trung Quốc. Họ phát hiện ra rằng công nhân chỉ được nghỉ một ngày trong tháng và bị trừ lương nếu khách hàng không hài lòng trả lại một mặt hàng.
Làm việc 17 giờ ngày và chỉ một ngày nghỉ trong tháng
Có mặt trong ngày làm việc đầu tiên tại một trong hàng trăm nhà máy ở khu vực Quảng Châu của Trung Quốc, phóng viên bí mật Mei đã đóng giả làm công nhân trong xưởng và hỏi số giờ làm việc một ngày.
“Thời gian phụ thuộc vào thời điểm hoàn thành công việc,” một người giám sát cho biết. “Mỗi người được nghỉ một ngày trong tháng. Ở đây không có thứ gọi là Chủ nhật”, người này cho biết thêm.
Trung bình một người công nhân phải may tối thiểu 500 bộ quần áo mỗi ngày. Họ thường làm việc từ 8 giờ sáng đến tận sáng sớm để có thể đáp ứng được hạn ngạch.
Trong trường hợp khách hàng của Shein muốn giao hàng nhanh, mỗi sản phẩm phải được hoàn thiện và vận chuyển trong cùng một ngày.
“Chúng tôi làm việc ít nhất 17 đến 18 giờ một ngày,” một công nhân nói với Mei. “Tôi là người kiểm tra cuối cùng nhưng những người đóng gói quần áo còn tan làm muộn hơn chúng tôi.”
Sai một lỗi, trừ 3/4 tiền lương
Người công nhân cũng nói với Mei rằng tiền lương của tháng đầu tiên thường bị giữ lại trong một thời gian nhất định và sẽ bị phạt nếu có bất kỳ sai sót nào.
Ở nhà máy đầu tiên Mei “làm việc”, mức lương cơ bản là 16,5 bảng Anh - cộng thêm 2 xu cho mỗi bộ quần áo. Số tiền trung bình mỗi người nhận được khi làm việc 17 giờ một ngày, chỉ là 19 bảng Anh. Những khoản phí bổ sung cho mỗi món đồ chỉ được trả nếu công nhân đạt được mốc tối thiểu là 500 sản phẩm.
Trong trường hợp sản phẩm bị lỗi hoặc trả lại, người công nhân đó sẽ bị phạt tiền. Mei được thông báo rằng mỗi lỗi sai sẽ bị trừ 12 bảng Anh, tương đương với 3/4 tiền lương hàng ngày.
Tiền lương cũng bị trừ nếu một nhân viên nghỉ ngày đó. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người khó có thời gian về thăm gia đình.
Mei nói: “Điều này là vô lý vì không có thời gian nghỉ ngơi. Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi, kiệt sức.”
“Bầu không khí trong nhà máy rất căng thẳng,” Mei cho biết.
Ký túc xá với nhà vệ sinh bị hỏng
Những công nhân làm việc tại Shein gần như không đủ thời gian để ngủ. Công ty có sẵn chỗ ở nhưng một công nhân nói với Mei rằng có tới 8 phòng ngủ không thể ở được. "Điều kiện sống quá khủng khiếp. Không có nước nóng, tôi phải tắm nước lạnh”, người này chưa biết.
Tại đây, tường bị nấm mốc bao phủ. Nhà vệ sinh không hoạt động. Ở nhà máy thứ hai nơi Mei đến, điều kiện cũng tương tự.
Bất chấp hạn ngạch khắc nghiệt, các công nhân phải đảm bảo từng mặt hàng đều hoàn hảo bởi vì, như một người đã tiết lộ, “nếu sản phẩm bị trả lại, tôi sẽ không được trả tiền.”
Mô hình thời trang vươn ra toàn cầu
Shein - khởi đầu là một thương hiệu váy cưới và ra mắt thị trường chung vào năm 2008 bởi doanh nhân người Trung Quốc Chris Yu. Trước đó, Chris Yu đã kinh doanh váy cưới trực tuyến với ba người đang là giám đốc điều hành hàng đầu của Shein, sau đó ông bỏ kinh doanh váy cưới để tập trung vào trang phục nữ với thương hiệu ban đầu có tên là SheInside.
Nhưng chuyên gia tiếp thị Andy Woods tiết mô hình này không chỉ ở sự hiện diện trên mạng xã hội với mức giá cực rẻ, mà còn có các thuật toán khiến người mua hàng quay lại nhiều lần.
SheInside được đổi tên thành Shein vào năm 2015, vì ông cho rằng cần một cái tên đơn giản hơn, dễ tìm thấy hơn trên mạng. Đó là khoảng thời gian công việc kinh doanh thực sự bắt đầu cất cánh và Shein nổi lên là một nhà bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Nhà bán lẻ Shein có thể tương đối xa lạ đối với những người trên 30 tuổi, nhưng với những người mua sắm thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), Shein hiện là cái tên phổ biến nhất.
Shein kiếm được 15,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng 60% với năm 2020. Ứng dụng của Shein đã được tải xuống nhiều gấp đôi so với ứng dụng của Amazon vào năm 2021, khiến Shein trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thế giới.
Thành công của Shein còn nằm ở chỗ thương hiệu này đã đẩy mạnh mô hình thời trang nhanh. Shein sử dụng các thuật toán để thiết lập các xu hướng thời trang mới nhất, mà đội ngũ thiết kế 2.000 người hùng hậu sử dụng làm cơ sở để tạo ra một loạt các sản phẩm mới. Mỗi ngày có tới 6.000 đơn vị sản phẩm ra đời.
Nhưng thay vì đặt may hàng nghìn sản phẩm cho mỗi mẫu, Shein sản xuất các mẫu sản phẩm với số lượng rất nhỏ, chỉ chưa đầy 100 cái cho mỗi mẫu.
Nhà bán lẻ này có một đội quân khoảng 4.000 các nhà cung cấp nhỏ tại trung tâm sản xuất Quảng Châu ở Trung Quốc. Theo tạp chí Public Eye, tất cả các nhà cung cấp này đều được tích hợp vào phần mềm của Shein, để các đơn đặt hàng được phân phối tự động giữa các nhà cung cấp. Nhờ đó, Shein đáp ứng các xu hướng một cách nhanh bất thường và các sản phẩm sẽ được sản xuất và phân phối chỉ trong một tuần.
Có thể nói Shein là một câu chuyện thành công quốc tế. Theo The Economist, Shein đang bán hàng tại hơn 150 quốc gia mà Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm từ 35 đến 40% doanh số bán hàng và thị trường lớn tiếp theo là châu Âu.
Theo All4, The Sun