Theo tờ SCMP, Nhật Bản dự định sẽ tổ chức vòng chung kết giải vô địch nhặt rác thế giới mang tên “SpoGomi” vào tháng 11/2023 với khoảng 20 đội dự thi. Nội dung thi sẽ là xem đội nào nhặt nhiều rác nhất trong vòng 1 giờ tại thủ đô Tokyo.
Vòng loại cho giải SpoGomi này đã bắt đầu diễn ra trên khắp thế giới để tìm kiếm các đội tham dự vòng chung kết diễn ra ở Nhật Bản dự kiến vào tháng 11 tới.
SpoGomi được ghép từ “Sport” và “Gomi” (nghĩa là rác theo tiếng Nhật), ra đời vào năm 2008 tại Nhật Bản với mục đích khuyến khích người dân dọn rác nơi công cộng và chỉ mang quy mô trong nước.
Tuy nhiên sức hút từ hình ảnh người dân Nhật Bản dọn rác sau mỗi trận đấu thể thao hay qua các lễ hội quốc tế đã khiến ngày càng nhiều người thích thú với cuộc thi này, dẫn đến việc mở rộng SpoGomi lên thế giới.
Theo luật thi, mỗi đội tham dự sẽ chỉ có 3 người chơi và 60 phút để dọn rác tại một địa điểm chỉ định. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là việc người chơi phải phân loại rác vào đúng túi đựng như chất thải tiêu hủy, nhựa tái chế, lon nhôm hay những loại rác khác nhau theo quy định.
Khi hết thời gian, ban giám khảo sẽ kiểm tra tình hình phân loại, cân nặng tổng trọng lượng và đội giành chiến thắng sẽ nhận được cúp lẫn huy chương. Nếu số điểm quá cân bằng thì tổ trọng tài sẽ chấm thêm điểm về khả năng phân loại rác của từng nhóm để cho thêm điểm.
Ban tổ chức cũng phải thu xếp các tình nguyện viên để ngăn người chơi chạy ra ngoài địa điểm chỉ định để lấy thêm rác từ đường phố, các khu vực tư nhân để nâng điểm của đội mình.
Theo ông Takayasu Udagawa, đại diện tổ chức The Nippon Foundation, nơi khai sinh ra cuộc thi SpoGomi cho biết sự kiện này thường được tổ chức tại bãi biển, dọc bờ sông hoặc ở công viên nhưng với tầm cỡ quốc tế thì họ chưa xác định địa điểm chính xác.
“Chúng tôi chưa xác định địa điểm cuối cùng như nhiều khả năng sẽ là khu vực nào đó trung tâm thủ đô Tokyo...Chúng tôi tin rằng việc thu dọn rác trong thành phố là vô cùng quan trọng vì lượng rác thải ngoài biển đang ngày một tăng. Bởi vậy người dân nên thu dọn rác khi chúng chưa được vứt xuống biển, bởi lúc đó thì việc thu dọn sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Udagawa nhận định.
Tờ SCMP nhận định cuộc thi nhặt rác quốc tế này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản, nhất là tại các trường học. Thậm chí chúng đã trở thành một phần thiết yếu trong chương trình học của trẻ em Nhật Bản khi được giới thiệu về chương trình phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, tổ chức The Nippon Foundation còn làm bộ phim hoạt hình “SpoGomi: World Cup Exhibition Match Arc” để quảng bá sự kiện thể thao này trong giới học sinh.
Cầu thủ Nhật Bản dọn sạch phòng thay đồ sau khi thi đấu xong trong World Cup 2022
Bên cạnh đó, sự kiện này còn thu hút được nhiều nhãn hàng tham gia. Ví dụ hãng Fast Retailling, doanh nghiệp vận hành thương hiệu Uniqlo đã đóng góp 2 triệu USD để tài trợ cho cuộc thi.
Theo tính toán của The Nippon Foundation, Nhật Bản mỗi năm tổ chức khoảng 100 giải SpoGomi nội địa trên khắp các miền đất nước và họ kỳ vọng rằng việc nâng tầm thế giới sẽ lan tỏa văn hóa dọn rác của Nhật Bản ra nhiều nơi hơn nữa.
Ăn vào tiềm thức
Tiến sĩ Masafumi Monden, giảng viên tại Đại học Sydney cho hay trẻ em Nhật Bản thường được hướng dẫn cách tự dọn dẹp sau bữa ăn từ khi học tiểu học.
"Các em được dạy giữ sạch những gì mình sử dụng như phòng học...Người Nhật thường có câu 'Tatsu tori ato wo nigosazu' (Con chim cất cánh không làm bẩn đường bay), nghĩa là khi rời khỏi đâu, đừng để nơi đó lộn xộn, hãy giữ nó sạch sẽ như tình trạng ban đầu", ông Monden nói.
Tại các thành phố của Nhật, người dân cũng thường xuyên được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng.
Khách nước ngoài khi tới Nhật thường không nhìn thấy thùng rác trên đường phố, bởi người Nhật quen với việc mang rác theo bên người để bỏ vào thùng rác tại nhà hoặc ở cửa hàng tiện lợi gần nhất.
Đây là lý do tại các lễ hội âm nhạc ở Nhật, rất nhiều người xếp hàng dài không phải để mua bia rượu hay hàng hóa, mà để bỏ rác vào đúng nơi quy định.
"Tất nhiên không phải ai ở Nhật cũng tuân thủ điều này, nhưng suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức và thói quen của chúng tôi, thể hiện sự tôn trọng và trân trọng những gì chúng tôi sử dụng", tiến sĩ Monden nói.
*Nguồn: SCMP