Khoa học

Sự thật bất ngờ: Khi giảm cân, bạn đang… thở ra mỡ

Tóm tắt:
  • Khi giảm cân, phần lớn mỡ thừa được thải ra dưới dạng khí CO₂ qua đường hô hấp.
  • Nghiên cứu cho thấy chỉ 2% chuyên gia hiểu đúng cách mỡ biến mất trong cơ thể.
  • Khoảng 8,4kg mỡ biến thành CO₂ và 1,6kg thành nước khi giảm 10kg mỡ.
  • Thở không giúp giảm cân nhanh hơn; vận động mới là cách tăng cường trao đổi chất.
  • Để đốt 100g mỡ, cơ thể cần tiêu thụ khoảng 290g oxy, tạo ra 280g CO₂ và 110g nước.

Không ít người nghĩ rằng mỡ sẽ được chuyển hóa thành năng lượng, bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi hoặc thậm chí biến thành cơ bắp.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Đại học New South Wales (Úc) lại đưa ra một câu trả lời hoàn toàn khác - và có phần khó tin: Phần lớn lượng mỡ bị đốt cháy sẽ… thoát ra khỏi cơ thể qua đường hô hấp, dưới dạng khí CO₂.

Hiểu sai về cách cơ thể đốt mỡ: Không chỉ người bình thường

Trong một khảo sát được thực hiện bởi hai nhà khoa học Ruben Meerman và Andrew Brown tại Đại học New South Wales (UNSW), họ đã đặt câu hỏi cho 150 chuyên gia sức khỏe gồm bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể hình: "Chất béo sẽ đi đâu khi chúng ta giảm cân?".

Kết quả gây bất ngờ: chỉ có 3 người trả lời đúng, tương đương với 2%. Gần như tất cả các chuyên gia còn lại đều đưa ra câu trả lời sai.

Sự thật bất ngờ: Khi giảm cân, bạn đang… thở ra mỡ - 1

Mỡ sẽ được chuyển hóa để bài tiết theo đường thở và nước tiểu (Ảnh: Getty).

Đa số cho rằng mỡ bị "đốt" thành năng lượng - một quan niệm sai lầm phổ biến nhưng mâu thuẫn với định luật bảo toàn vật chất. Một số người khác lại tin rằng mỡ được chuyển hóa thành cơ bắp, hoặc bài tiết qua hệ tiêu hóa.

Trên thực tế, chất béo không biến mất theo bất kỳ con đường nào như trên. Thay vào đó, phần lớn mỡ được chuyển hóa thành carbon dioxide (CO₂) và nước (H₂O) - rồi thoát khỏi cơ thể qua đường thở và các chất bài tiết lỏng.

Cơ thể bạn "thở" ra mỡ như thế nào?

Theo nghiên cứu, nếu bạn giảm 10kg mỡ, thì khoảng 8,4kg sẽ được chuyển thành khí CO₂ và đào thải ra qua hơi thở, còn lại 1,6kg trở thành nước và rời khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, mồ hôi và các dạng chất lỏng khác.

Về bản chất, mọi quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể - từ tiêu hóa tinh bột, chất béo, rượu đến protein - đều có chung một đích đến: tạo ra CO₂ và H₂O. Những chất này sẽ được đào thải khỏi cơ thể thông qua phổi, thận, da và các cơ quan bài tiết.

Chỉ có chất xơ (như cellulose trong rau củ) là không bị tiêu hóa và sẽ đi thẳng ra ngoài qua đường ruột. Còn lại, bất kỳ thứ gì bạn ăn vào, sau khi đã hấp thụ, đều phải "bốc hơi" thông qua quá trình trao đổi chất.

Thở có giúp giảm cân?

Một hiểu lầm khác dễ mắc phải: nếu mỡ đi ra ngoài bằng cách thở, thì thở nhiều có thể giúp giảm cân nhanh hơn?

Rất tiếc là không đơn giản như vậy. Việc hít thở quá mức (hyperventilation) không khiến bạn giảm mỡ nhanh hơn mà chỉ làm mất cân bằng khí CO₂ - có thể gây chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Để tăng lượng CO₂ thải ra, bạn cần vận động cơ thể, kích hoạt các nhóm cơ để tăng cường trao đổi chất. Đây mới là cách duy nhất giúp "đốt" nhiều mỡ hơn một cách an toàn.

Thực tế, ngay cả khi ngủ, cơ thể bạn vẫn thở ra khoảng 200g CO₂ mỗi đêm, tương đương gần 1/3 lượng CO₂ bạn cần thải ra mỗi ngày để giảm mỡ. Với một người nặng khoảng 75kg, cơ thể vẫn tạo ra gần 600g CO₂/ngày trong trạng thái nghỉ ngơi.

Nếu bạn đứng dậy, đi lại, làm việc nhà, nấu ăn, đi bộ... tốc độ trao đổi chất sẽ tăng lên gấp 2-3 lần, từ đó lượng CO₂ thải ra cũng tăng tương ứng.

Đốt 100g mỡ = thở ra 280g khí CO₂

Theo tính toán hóa học, để đốt cháy 100g chất béo, cơ thể sẽ cần tiêu thụ khoảng 290g oxy, tạo ra 280g khí CO₂ và 110g nước. Các con số này là cố định - không thay đổi dù bạn áp dụng chế độ ăn nào, miễn là tổng năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu hao.

Vì vậy, mọi chế độ ăn giảm cân - dù là low-carb, keto, nhịn ăn gián đoạn hay truyền thống - đều hoạt động theo nguyên lý chung: cung cấp ít "nguyên liệu" hơn lượng cơ thể cần, để bắt buộc dùng đến mỡ dự trữ và chuyển nó thành CO₂ để thở ra ngoài.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.