Dùng sai dầu gội, căng thẳng có thể khiến tóc rụng, đổi màu hoặc mất kết cấu nhưng đôi khi cũng do cơ thể đang thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng.
Dưới đây là một số thay đổi ở tóc có liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến.
Thiếu vitamin B12
Tóc bắt đầu chuyển màu bạc trước 30 tuổi có thể do di truyền. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vitamin B12. Chất dinh dưỡng thiết yếu này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu, hỗ trợ chức năng thần kinh khỏe mạnh. Nếu không có đủ vitamin B12, quá trình sản xuất melanin - sắc tố chịu trách nhiệm cho màu tóc, có thể chậm lại, dẫn đến chuyển màu bạc sớm.
Thiếu hụt B12 cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng, có thể tác động trực tiếp đến nang tóc. Những người có vấn đề về tiêu hóa hoặc những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ thiếu B12 hơn. Điều này là do nó có nhiều trong thực phẩm động vật như gan, cá béo, thịt bò, sữa tăng cường...
Thiếu sắt
Tóc mỏng dần trên da đầu là một trong những dấu hiệu điển hình của tình trạng thiếu sắt. Sắt đóng vai trò chính trong quá trình hình thành hemoglobin, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào, bao gồm cả các tế bào kích thích mọc tóc. Khi cơ thể thiếu chất này, nang tóc không nhận đủ oxy, yếu đi theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến rụng tóc quá nhiều và giảm tổng số lượng tóc.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này do kỳ kinh hàng tháng. Bổ sung các thực phẩm giàu sắt như rau bina, đậu lăng và thịt nạc có thể khắc phục sự thiếu hụt.
Mức omega-3 thấp
Khi tóc bắt đầu khô, xơ và dễ gãy, nguyên nhân có thể là thiếu axit béo omega-3. Những chất béo lành mạnh này nuôi dưỡng da đầu, giữ ẩm cho sợi từ sâu bên trong. Cơ thể không tự sản xuất ra omega-3 mà phải bổ sung qua chế độ ăn uống, chủ yếu từ cá béo, hạt óc chó và hạt lanh.
Nếu không có đủ omega-3, da đầu có thể bị khô, kích ứng, còn tóc mất đi độ đàn hồi và độ bóng tự nhiên. Điều này thường dẫn đến các sợi tóc giòn dễ gãy khi chải hoặc tạo kiểu.
Gàu do thiếu kẽm
Da đầu bong tróc, gàu cứng đầu dù dùng dầu gội trị gàu có thể là dấu hiệu cảnh báo nồng độ kẽm thấp. Kẽm rất cần thiết để duy trì các tuyến tiết dầu bám vào nang tóc. Kẽm cũng hỗ trợ tái tạo da, phản ứng miễn dịch - cả hai đều rất quan trọng đối với môi trường da đầu khỏe mạnh.
Thiếu kẽm có thể gây viêm, làm chậm quá trình lành vết thương, khiến da đầu dễ bị bong tróc, kích ứng. Bổ sung các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, hàu, tôm và các loại đậu vào chế độ ăn để tăng lượng kẽm.
Thiếu hụt dinh dưỡng chỉ là một trong số nguyên nhân ảnh hưởng đến mái tóc. Người gặp những dấu hiệu cảnh báo trên diễn tiến kéo dài nên đi kiểm tra để biết khả năng thiếu hụt. Cùng với đó, các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể đưa ra giải pháp, liều lượng để bổ sung các dưỡng chất còn thiếu.
(Theo Times of India)