Vào sáng 11/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đã có cuộc họp với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để xem xét tiến độ của Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (Đề án Trung Trung Bộ).
Ông Dương Ngọc Tình, Chủ nhiệm Đề án thuộc Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, cho biết Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn tất việc khảo sát tổng hợp tại 32 khu vực quặng vàng.
Điểm nổi bật là các đơn vị đã tiến hành đánh giá sơ bộ tỷ lệ 1:25.000 tại 12 khu vực quặng vàng, ước tính tài nguyên đạt hơn 10 tấn vàng và khoảng 16,5 tấn bạc. Ngoài ra, 11 khu vực triển vọng có quy mô lớn đã được khoanh định để tiếp tục nghiên cứu chi tiết.
Đối với quặng đồng, đề án đã khảo sát sơ bộ ở tỷ lệ 1:25.000 tại 6 khu vực, xác định được hai khu vực có tiềm năng lớn để chuyển sang giai đoạn đánh giá chi tiết. Hai mỏ đồng mới được phát hiện và đang được đánh giá kỹ lưỡng, với tài nguyên dự báo cấp 333+334a đạt hơn 154.000 tấn đồng kim loại.
Bên cạnh đó, đề án đã khảo sát trữ lượng đá khối dùng làm vật liệu ốp lát tại 17 khu vực, tập trung vào các loại đá chất lượng cao, có màu sắc và hoa văn đẹp, phù hợp cho ngành công nghiệp khoáng sản. Kết quả đã được khoanh định và chuyển giao để lập kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Hình minh họa. Ảnh: MMT
“Độc chiêu” dò khoáng sản
Trước đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò khoáng sản, và phương pháp “quang phổ khoáng vật viễn thám” là một trong những điểm sáng.
Theo tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, phương pháp này sử dụng các cảm biến vệ tinh từ xa để đo lường phản xạ ánh sáng từ các khoáng vật trên bề mặt trái đất, từ đó xác định vị trí và trữ lượng của các loại khoáng sản tiềm năng. Với lợi ích vượt trội hơn rất nhiều so với các phương pháp khảo sát khoáng sản truyền thống, phương pháp quang phổ khoáng vật viễn thám mang lại nhiều lợi ích vượt trội.
Các chuyên gia đã đánh giá rằng, phương pháp quang phổ khoáng vật viễn thám là một bước tiến lớn trong công nghệ dò tìm khoáng sản. Tính đến năm 2024, mới chỉ có một đơn vị doanh nghiệp là đối tác duy nhất sở hữu công nghệ này tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Công nghệ này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Tây Phi, Trung Quốc, Indonesia,... Đặc biệt, vào tháng 1/2023, công nghệ này đã giúp phát hiện ra mỏ Niken có trữ lượng khá lớn tại Indonesia.
Chi phí thực hiện thăm dò sử dụng phương pháp này thấp hơn so với các phương pháp thăm dò truyền thống nhưng có thể khảo sát khoáng sản trên diện rộng, cả các khu vực hẻo lánh và khó tiếp cận.

Phương pháp quang phổ khoáng vật viễn thám. Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường
Tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0
Cục Địa chất Việt Nam đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường địa chất.
Đáng chú ý, từ năm 2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền với 242.445 km2 (đạt 73,19% diện tích đất liền) và tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000v km2 vùng biển độ sâu 0-100 m.
Đồng thời, phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên; Bước đầu phát hiện các cấu trúc thuận lợi, những tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản như quặng đất hiếm trong vỏ phong hóa ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ; Khoáng sản kim loại ẩn sâu vùng Tây Bắc; Xác định các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, đứt gãy, trượt lở nhằm cảnh báo thiên tai.
Cùng với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Tổng cục còn triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; Xử lý hồ sơ văn bản trên phần mềm hồ sơ công việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (đã tiếp nhận xử lý hơn 11.000 văn bản và phát hành gần 5.000 văn bản), đến thời điểm hiện tại các văn bản của Tổng cục phát hành được ký và phát hành số.
Ngoài ra, trang Thông tin điện tử của Tổng cục được nâng cấp lên Cổng Thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin về tổ chức bộ máy và các hoạt động của Tổng cục trong công tác quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản.
Trong tương lai, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục xác định các khu vực có tiềm năng khoáng sản, đặc biệt là các mỏ ẩn sâu, để chuẩn bị cho công tác đánh giá trong giai đoạn 2025-2030 và sau đó.