Theo một nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ), tỷ lệ người sống đến hơn 110 tuổi sẽ ngày càng gia tăng.
Nghiên cứu này đã sử dụng mô hình toán học để dự đoán xác suất con người sống thọ hơn 110 tuổi trong những năm từ 2020 đến 2100. Các nhà nghiên đã sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ (IDL), theo dõi những người sống trên 110 tuổi ở 13 quốc gia.
Theo Michael Pearce, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ tại Đại học Washington, nghiên cứu cho thấy ‘rất có khả năng’ nhiều kỷ lục về những người sống thọ nhất thế giới có thể bị phá vỡ trong thế kỷ này.
Một trong những người cao tuổi nhất thế giới hiện nay là cụ bà người Pháp Jeanne Calment, qua đời năm 1997 ở tuổi 122 lẻ 164 ngày.
Theo tiến sĩ Pearce, xác suất một người sống đến 127 tuổi vào năm 2100 là khoảng 68%. Cùng năm, xác suất sống tới 130 tuổi là 13%.
Những bước tiến mới trong y học và sinh học lão hóa có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người. Thật vậy, sinh học lão hoá đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đến mức một số chuyên gia tin rằng chúng ta sẽ có thể ‘chữa khỏi’ lão hoá.
Tuổi thọ của con người đang ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa
Andrew Steele, nhà khoa học và tác giả cuốn sách ‘Ageless: The New Science of Getting Older Without Getting Old’, cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm ra nhiều phát hiện đột phá nữa nếu tập trung vào quá trình lão hóa thay vì tập trung vào bệnh tật".
Ví dụ, các nhà nghiên cứu đang tìm cách nhắm mục tiêu vào các tế bào được gọi là ‘tế bào lão hóa’. Thay vì phân chia và tạo ra các tế bào mới, các tế bào lão hóa này di chuyển xung quanh và giải phóng các chất hoá học, các phân tử để làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh khác và kích hoạt tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Số lượng tế bào lão hóa của một người tăng lên khi già đi, nhưng các nghiên cứu trên động vật cho thấy các tế bào này có thể bị loại bỏ và việc này có khả năng kéo dài tuổi thọ.
Steele cho biết rằng viễn cảnh những người ở hiện tại có thể sống thọ tới hơn 120 tuổi trước năm 2100 không phải là ‘phi khoa học’.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2021 đã xem xét các dấu hiệu sinh học của sự lão hóa trong máu của con người và phát hiện ra rằng, về mặt lý thuyết, một môi trường không tồn tại căng thẳng và không có bệnh tật có thể giúp chúng ta sống đến 150 năm.
Trong khi đó, việc kéo dài tuổi thọ có thể nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Làm thế nào để sống thọ hơn?
Tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp tăng tuổi thọ. Ảnh minh họa
Một nghiên cứu năm 2018 từ Đại học Harvard, Mỹ cho thấy những người tuân theo 5 thói quen đơn giản sau có thể làm tăng tuổi thọ lên tới 10 năm.
Các thói quen này bao gồm ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và hoạt động thể chất cường độ vừa phải ít nhất 30 phút hoặc hơn mỗi ngày, duy trì cân nặng hợp lý, không uống quá nhiều rượu bia, không hút thuốc. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ăn 2 phần trái cây và 3 phần rau mỗi ngày có liên quan đến tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Theo Dan Buettner, tác giả kiêm nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ, nghiên cứu sinh của National Geographic, người dân ở 'vùng xanh' (nơi có những người sống lâu và khỏe mạnh nhất thế giới) luôn duy trì những thói quen cụ thể giúp góp phần kéo dài tuổi thọ. Ví dụ, họ có ít nhất 3 người bạn thân có thể tin tưởng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần, đi bộ hàng ngày và chợp mắt 20 phút vào buổi trưa 5 ngày mỗi tuần. Tất cả những điều này đã được chứng minh là giúp cải thiện tuổi thọ, ông Buttner chia sẻ với CNBC.
Theo Steele, đánh răng và vệ sinh răng miệng có thể góp phần ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim và sa sút trí tuệ. Vệ sinh răng miệng đúng cách cũng sẽ giúp loại bỏ tình trạng viêm nhiễm mạn tính mức độ thấp gây cản trở hệ thống miễn dịch.
Nguồn: CNBC