Cổ phiếu nhóm FLC đã giảm sàn ba phiên liên tiếp do thông tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán". Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về kịch bản trong tháng 1 lặp lại, khi nhóm FLC dẫn dắt đà giảm của các mã đầu cơ khiến thị trường "vạ lây".
Nguyên nhân chính của diễn biến thời điểm đó là quy mô vay ký quỹ (margin) với nhóm bất động sản và đầu cơ ở mức cao.
Các cổ phiếu được chú ý, như nhóm FLC và nhóm hưởng lợi từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, giảm kịch sàn liên tiếp. Tuy nhiên, cùng với đà giảm, thanh khoản các mã này cũng lao dốc, gần như không đáng kể so với lượng dư bán sàn vài chục triệu cổ phiếu. Với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, việc bán giải chấp (force sell) đã xảy ra nhưng không thể thực hiện được do không có lệnh đối ứng. Theo nguyên tắc đảm bảo rủi ro, các công ty chứng khoán sẽ tiến hành bán các mã khác trong danh mục của khách hàng nhằm thu hồi khoản vay.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng rủi ro này hiện ở mức thấp, dù kịch bản nhóm FLC mất thanh khoản đang xảy ra. Nguyên do là sự khác biệt giữa quy mô vay margin.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, dòng cổ phiếu đầu cơ là nhóm chi phối thị trường. Dòng tiền đổ vào nhóm này rất lớn, đi kèm với lượng vay margin ở mức cao. Tuy nhiên, sau cú rơi mạnh đầu tháng 1, các bên đã thận trọng hơn. Các công ty chứng khoán đã giảm, thậm chí dừng cấp margin cho một số mã đầu cơ. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng giảm dần tỷ trọng vào nhóm này.
Nếu nhìn từ diễn biến thị trường trong hai tháng gần đây, khẩu vị đầu tư của thị trường rõ ràng đã có chuyển hướng, tập trung vào các nhóm cổ phiếu hàng hóa, nhóm bluechip. Các mã bất động sản và đầu cơ vẫn có những thời điểm hút dòng tiền, nhưng không quá mạnh và mang tính chi phối như giai đoạn cuối năm 2021.
Cùng quan điểm, bà Lê Thu Hằng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng thông tin Chủ tịch FLC bị bắt, khởi tố đang cho thấy mức độ ảnh hưởng chỉ xoay quanh nhóm cổ phiếu liên quan nhà F.
Các mã chứng khoán của doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC bị ảnh hưởng là điều khó tránh, và cũng là diễn biến từng xảy ra với những doanh nghiệp có lãnh đạo vướng vòng lao lý trước đó.
Trong khi đó, phần còn lại của thị trường tiếp nhận thông tin này với mức độ tác động không quá lớn.
Có hai lý do chính, theo bà Hằng, là tâm lý nhà đầu tư vững hơn và dòng tiền gần đây phân hóa, không còn "all-in" vào nhóm bất động sản, đầu cơ như cuối năm trước. Mức độ tác động từ vụ việc với ông Trịnh Văn Quyết cũng không gây ảnh hưởng mang tính lan tỏa. Thực tế, các ngân hàng cũng đều lên tiếng cho biết khoản vay của FLC đều thực hiện theo đúng quy trình, có đủ tài sản đảm bảo và một số nhà băng cho biết sẽ không giải chấp cổ phiếu.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cũng đánh giá thông tin Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt khó tránh khỏi những ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, song những tác động này "chỉ là ngắn hạn và không quá lớn".
Theo phân tích của ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT, người từng là Giám đốc môi giới Mirae Asset, mức độ ảnh hưởng xét về khía cạnh vĩ mô là thấp và không đáng kể vì quy mô kinh doanh của hệ sinh thái này rất bé. Tổng doanh thu hệ sinh thái FLC vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD.
Dư nợ vay ngắn và dài hạn chưa tính Bamboo Airways vào khoảng 8.400 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế. "Với quy mô này thì nhóm hệ sinh thái FLC không có ảnh hưởng nào tới nền kinh tế vì quy mô và mức độ liên kết, liên đới rất nhỏ", ông Tuấn đánh giá.
Ở góc độ thị trường chứng khoán, các mã liên quan hệ sinh thái FLC bị bán tháo là điều khó tránh khỏi, một số ngân hàng có dư nợ cho vay với FLC cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với toàn bộ thị trường và các nhóm ngành còn lại, theo ông Tuấn, sự kiện này không liên quan vì "nhóm FLC từ lâu đã tách bạch và định vị ở nhóm đầu cơ rất rõ".
"Những ảnh hưởng có thể là tiêu cực ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn thì chỉ có thể nói một từ 'rất tốt'", ông Tuấn nhận xét.
Việc thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch thị trường sẽ thúc đẩy luồng vốn vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tâm lý về đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và sự nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ.
"Có thể nói nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ hút hàng. Sự việc vừa qua theo tôi còn là pha "ghi điểm" trong mắt các nhà đầu tư ngoại", ông Tuấn bình luận.