Thời gian này năm trước, ngành công nghệ rất sôi động. Người lao động trong các công ty lớn được phép làm việc từ xa cùng khoản lương hậu hĩnh kèm nhiều phúc lợi. Giờ đây, mọi thứ không còn như xưa khi nhiều bên thu hẹp hoặc đóng băng tuyển dụng, thậm chí cân nhắc cắt giảm việc làm.
Business Insider dẫn lời các chuyên gia kinh tế rằng một cuộc suy thoái chuẩn bị xảy ra trong lĩnh vực công nghệ và câu hỏi lúc này là quy mô ảnh hưởng sẽ lớn đến mức nào.
Keith Hwang, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư công nghệ Selcouth Capital Management, nói: "Tôi nghĩ các công ty công nghệ đang trong giai đoạn khó khăn. Sóng ngầm đang xảy ra nhưng không ai hiểu rõ về mức độ tồi tệ của nó. Trước mắt, họ cố gắng quản lý chi tiêu, giảm chi phí xuống mức tối đa".
Theo giới phân tích, những công ty cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin sẽ bị tác động mạnh hơn cả. Khi có biến động trên thị trường, ngân sách quảng cáo thường bị cắt giảm đầu tiên. Điều đó đồng nghĩa rủi ro tiềm tàng đang đến với Meta, Google và nhiều công ty đang phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến.
John Lovelock, nhà phân tích tại Gartner, nhận định ngoài Apple, các hãng sản xuất PC và thiết bị công nghệ đều sẽ phải đối mặt với các nguy cơ khi lạm phát tác động đến chi tiêu của người dùng. Ông cho rằng 2022 là năm tồi tệ với các công ty sản xuất phần cứng liên quan đến điện thoại, PC, laptop... Chính những công ty công nghệ phát triển rực rỡ trong đại dịch sẽ đối mặt nhiều rủi ro nhất. Khi công ty phình to, chi phí cho các hoạt động bị thổi lên đáng kể và khi hầu bao đã vơi, họ phải điều chỉnh để sinh tồn.
Một trong những biểu hiện đầu tiên của khủng hoảng là làn sóng cắt giảm nhân sự đang âm thầm diễn ra. Đầu tháng 10, một số nguồn tin nội bộ cho biết Meta đã tìm cách buộc hàng nghìn nhân viên rời đi. Nhiều chương trình thực tập bị hủy. Các giám đốc điều hành được yêu cầu tìm ra 15% nhân viên trong tổ chức "cần được hỗ trợ do năng suất lao động thấp". Những người này sau đó sẽ bị sa thải vì lý do không đạt hiệu quả công việc. Đây là đặc trưng ở Amazon nhưng trong bối cảnh khó khăn, nhiều công ty công nghệ khác cũng đã làm theo.
Cuối tháng 8, theo nguồn tin của The Verge, Snap sẽ sa thải 20% lực lượng lao động, tương đương 1.000 người do kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Các ông lớn như Microsoft, Alphabet và Meta đều đã đóng băng tuyển dụng quy mô lớn. Các phúc lợi nổi tiếng của Thung lũng Silicon như bữa trưa miễn phí, đồ ăn nhẹ và đồ ăn vặt cho nhân viên cũng bị loại bỏ. Hồi tháng 9, Google đã lên kế hoạch giảm ngân sách du lịch cho nhân viên.
Một số công ty cũng điều chỉnh chi phí cơ sở vật chất khi nhiều nhân viên nói không có ý định quay lại văn phòng sau đại dịch. Tuy nhiên, việc cắt đang gây ra nhiều "tác dụng phụ". Nhân viên Facebook ở khu vực Vịnh San Francisco đã bị gián đoạn công việc khi công nhân vệ sinh biểu tình do chính sách sa thải và cắt giảm chi tiêu.
Các công ty công nghệ cũng đang thể hiện rõ sự lo lắng bằng cách thu hẹp các dự án không đem lại nguồn tiền trực tiếp. Amazon đóng cửa dịch vụ Amazon Care, thu nhỏ đội ngũ robot cũng như hoạt động của phòng nghiên cứu Grand Challenge. Trong thông báo tới nhân viên tuần trước, lãnh đạo Amazon truyền đi một thông điệp rõ ràng: "Tiết kiệm gấp đôi mức cần thiết". Trong khi đó, Google giảm một nửa dự án trong vườn ươm Area 120, còn Facebook cũng cho dừng một số dự án sản phẩm mới.
Theo các chuyên gia, tình trạng "sức khỏe" của toàn ngành công nghệ sẽ rõ ràng hơn vào cuối tháng 10 khi Meta, Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft, Netflix và nhiều công ty khác báo cáo tài chính quý III/2022.
(theo Business Insider)