Năm ngoái, startup thương mại điện tử Thrasio LLC được kỳ vọng sẽ có mức định giá từ 10 tỷ USD trở lên trong một thỏa thuận đầu tư sẽ giúp công ty 4 năm tuổi này lên sàn. Thỏa thuận sau đó đã không diễn ra và Thrasio đã tiếp tục đốt hơn 3,4 tỷ USD mà công ty đã huy động được cho các hoạt động của mình, theo Wall Street Journal.
Thời gian gần đây, Thrasio đã phải cắt giảm gần 20% nhân sự, công bố một Giám đốc điều hành mới, giảm các thương vụ mua lại và thu nhỏ quy mô các dự án kỹ thuật, theo nội dung các hồ sơ được ghi lại.
Thrasio và sự nổi lên như vũ bão của nhiều startup được hưởng lợi trong suốt nhiều năm qua nhờ các yếu tố khác nhau. Xu hướng định giá tăng nhanh vào năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, tạo ra một dòng vốn giá rẻ. Ảnh hưởng của đại dịch khiến các startup công nghệ được đánh giá cao hơn, qua đó thúc đẩy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào.
Năm 2022 chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng đầu tư vào startup công nghệ
Mọi thứ đã dần thay đổi trong năm 2022, sau khi có sự xuất hiện của làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ từ đầu năm. Nhiều ông lớn trong ngành như Meta (công ty mẹ Facebook), Twitter, Uber,… đều cắt giảm chi phí và sa thải nhân sự.
Điều này khiến các nhà đầu tư mạo hiểm đang dần tránh xa các startup công nghệ, bao gồm cả những startup được định giá cao. Áp lực này, kết hợp với sự không chắc chắn của những vòng gọi vốn mới, đã khiến nhiều startup buộc phải cắt giảm chi tiêu, hủy bỏ dự án hoặc làm những điều tương tự để tối ưu hóa nguồn tiền.
Vào tháng 3, CEO startup MainStreet Doug Ludlow đã cảnh báo những người đồng sáng lập của mình trên Twitter: “Nếu các bạn chưa chuẩn bị cho con đường hòa vốn, hãy bắt đầu ngay lập tức bởi trong năm 2022, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đồng loạt rút lui”.
Ông Ludlow đã tự mình đối mặt với điều đó. Theo các nguồn tin thân cận, kế hoạch cho một vòng gọi vốn với các nhà đầu tư mới đã thất bại sau khi thị trường trở nên bất ổn và có sự bất đồng giữa các nhà đầu tư về giá cả. Ông đã quay lại kế hoạch B với một vòng gọi vốn quy mô nhỏ hơn, được gọi là vòng nội bộ.
Ông Ludlow cho biết đã phát triển một kế hoạch cho công ty dịch vụ tài chính ba năm tuổi của mình, MainStreet Work Inc., để đạt được điểm hòa vốn trong vòng 6 – 12 tháng. Kế hoạch này đòi hỏi phải sa thải 45 người, tức khoảng 1/3 lực lượng lao động của công ty.
Matt Schulman, CEO startup về phần mềm Pave, cho biết các nhà đầu tư của ông đang xem xét tỷ suất lợi nhuận gộp theo cách mà họ chưa từng làm trước đây. Pave, công ty giúp các nhà tuyển dụng phát triển các kế hoạch trả công và thảo luận với nhân viên, đã định vị lại chính mình từ một dịch vụ giúp các công ty tuyển dụng sang một dịch vụ giúp các công ty giữ chân nhân viên. “Đã có quá nhiều đợt tuyển dụng bị đóng băng khiến các chiến lược trước đó không có ý nghĩa”, ông Matt Schulman cho biết.
Startup công nghệ đang dần đối mặt với áp lực tăng trưởng
Các nhà đầu tư đã rót khoảng 1.300 tỷ USD vào các startup trong hơn một thập kỷ qua, tạo ra hàng trăm công ty mỗi năm, đạt mức định giá hàng tỷ USD, thu hút sự quan tâm từ nhiều phía.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động được 132 tỷ USD để đầu tư vào những startup trong năm 2021, gần gấp đôi số tiền trong năm 2019 và gấp 6 lần tổng số tiền huy động được một thập kỷ trước, khi số lượng quỹ chỉ bằng khoảng 1/3 so với hiện nay. Trong quý IV/2021, các khoản đầu tư mạo hiểm đạt mức kỷ lục 95 tỷ USD, theo PitchBook Data Inc.
Những con số này là quá nhiều để triển khai các startup một cách hiệu quả, một số nhà đầu tư chia sẻ. Theo dữ liệu từ các công ty đầu tư mạo hiểm, hệ số định giá được cho là có thể chấp nhận được đối với các công ty khởi nghiệp phần mềm đạt 100 lần doanh thu định kỳ hàng năm, cao gấp gần 10 lần so với định mức lịch sử của các công ty trong ngành đó.
Các startup huy động được số tiền lớn ở mức định giá cao phải đối mặt với áp lực tăng trưởng, điều mà họ đã cố gắng thực hiện thông qua cách tuyển dụng ồ ạt và thực hiện các thương vụ mua lại. Một số nhà đầu tư và người sáng lập startup cho biết tại một số công ty, chất lượng công việc giảm sút, việc mua lại không được quan tâm, ban lãnh đạo mất tập trung và việc đốt tiền mặt tăng vọt.
Sự chậm lại cần thiết cho hệ sinh thái startup
SoftBank Group Corp., công ty điều hành hai quỹ đầu tư khởi nghiệp như một phần của Vision Fund, gần đây đã báo cáo khoản lỗ 26,2 tỷ USD trong danh mục đầu tư lớn của các công ty công nghệ trong ba tháng đầu năm. SoftBank cho biết họ sẽ cắt giảm một nửa hoặc 3/4 số lượng các khoản đầu tư khởi nghiệp trong quý III so với tốc độ của năm ngoái.
Quỹ phòng hộ Tiger Global, một trong những nhà đầu tư khởi nghiệp lớn nhất trong thời kỳ đại dịch, đang tiếp tục rót vốn dù đối mặt với nguy cơ trải qua năm tăng trưởng tệ nhất, với quỹ chính của đơn vị đã giảm 45% tính đến tháng 5. Tiger thực tế đã thay đổi chiến lược, chuyển sang các công ty giai đoạn đầu có nhiều dư địa để phát triển và chưa có kế hoạch IPO.
Tổng cộng, các khoản đầu tư mạo hiểm đã giảm 26% trong ba tháng đầu năm nay so với quý IV/2021, theo dữ liệu từ PitchBook. Một số nhà đầu tư cho biết họ đang xem xét khoảng 1/3 đến một nửa số lượng các giao dịch tiềm năng mà họ đã đạt được trong năm ngoái. Từ cuối năm ngoái đến quý I, định giá cho một nhóm các công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao giảm trung bình 42%, theo dữ liệu do Carta Inc. cung cấp.
Nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks cho biết khoảng trống trong nguồn tài trợ đã khiến tâm lý ở Thung lũng Silicon trở nên “tiêu cực nhất kể từ sau vụ sụp đổ dot-com”.
“Theo tôi, thời điểm hiện tại không giống năm 2001 hay kịch bản năm 2008. Các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ không nhận được vốn đầu tư dễ dàng như trước. Tôi cho rằng đó là một động thái tích cực cho thị trường”, cựu Giám đốc điều hành của Cisco Systems Inc. John Chambers, cho biết.