Trong năm 2023, giá vàng SJC tăng hơn 10% trong khi vàng nhẫn trơn 24K cũng tăng trên 15%. Nếu tính vùng đỉnh trên 80 triệu đồng/lượng, vàng SJC tăng tới 13 triệu đồng/lượng và bỏ xa giá thế giới tới 17-19 triệu đồng/lượng. Tình trạng một mình một chợ của giá vàng trong nước, tăng nhanh giảm chậm, neo cao đã diễn ra vài năm gần đây nhưng đến giờ vẫn chưa có giải pháp căn cơ để hóa giải.
Một mình một chợ!
Nhìn lại diễn biến thị trường vàng quốc tế năm 2023, giới kinh doanh vẫn còn giật mình khi chỉ trong vòng 5 ngày của tháng 3-2023, có 3 ngân hàng tại Mỹ rơi vào phá sản. Khi đó, nhiều người đã tìm đến vàng để bảo toàn vốn vì lo một cuộc khủng hoảng như 10 năm trước.
Cộng thêm những xung đột chính trị trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng dịu đã khiến giá vàng thế giới có nhiều đợt tăng mạnh trên 2.000 USD/ounce. Đỉnh điểm vào đầu tháng 12 vừa qua, giá vàng vượt mốc kỷ lục 2.150 USD/ounce, sau đó hạ nhiệt đôi chút và kết thúc năm 2023 tại 2.062 USD/ounce.
Ở trong nước, giá vàng, đặc biệt là vàng miếng thương hiệu SJC cũng có những đợt tăng giá mạnh theo giá vàng thế giới nhưng lại kèm theo những yếu tố bất thường khiến ngay cả giới kinh doanh vàng nhiều năm cũng khó đoán định. Cụ thể, khi giá thế giới đi xuống thì giá vàng SJC vẫn neo cao hoặc chỉ giảm nhẹ một vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.
Còn khi giá vàng thế giới vừa nhích nhẹ, giá vàng SJC lại bứt phá cả triệu đồng/lượng. Thể hiện rõ nhất là giai đoạn thị trường vàng thế giới đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh nhưng giá vàng SJC lại tăng dựng đứng, lần lượt phá các đỉnh 76, 77, 78… thậm chí vượt 80 triệu đồng/lượng chỉ trong nháy mắt vào ngày 26-12.
Theo ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), do nhiều năm qua, vàng miếng SJC không được sản xuất thêm nên loại vàng này trở nên khan hiếm. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng, các đầu mối lớn trong nước (thường không lộ diện) đã mạnh tay mua vào đã góp phần đẩy giá vàng miếng SJC đi lên. Lực mua càng mạnh, giá càng tăng cao, thậm chí cao hơn giá vàng thế giới tới cả chục triệu đồng/lượng.
Ngày 1-1, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 71 triệu đồng/lượng, bán ra 74 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn 24 K mua vào 62 triệu đồng/lượng, 63 triệu đồng/lượng bán ra.
Cũng theo ông Đang, do Việt Nam không nhập khẩu vàng nên các doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Vì thế, khi nguồn cung vàng nguyên liệu trôi nổi bị gián đoạn, giá vàng nhẫn trơn cũng bị đẩy cao hơn giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng.
Giới kinh doanh vàng lý giải cứ mỗi lần vàng SJC thiết lập mức giá mới, họ phải mua vào với giá cao hơn, càng đẩy giá vàng miếng này tăng mạnh. Chủ một tiệm vàng tại TP HCM cho biết thông thường chênh lệch giá mua, bán vàng miếng SJC chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng. Song, những ngày cuối cùng của năm 2023, các doanh nghiệp lớn mua vào vàng SJC thấp hơn bán ra 3-4 triệu đồng/lượng nên người dân ít bán loại vàng này.
Thị trường vàng trong nước còn bất thường ở chỗ nhu cầu mua bán không đột biến nhưng giá liên tục đẩy lên, đỉnh điểm là vàng SJC chạm mốc 80,3 triệu đồng/lượng ngày 26-12-2023. "Sức mua từ người dân không đột biến, vậy các doanh nghiệp lớn đã mua vàng miếng SJC giá cao từ đâu? Phải chăng họ đang nắm giữ số lượng lớn vàng SJC, tranh thủ sức mua của người dân nóng lên để làm giá?" - chủ tiệm vàng nói trên đặt nghi vấn.
Sập mạnh chỉ sau bức công điện
Trước những diễn biến bất thường của vàng SJC, đặc biệt khi loại vàng này vượt 80 triệu đồng/lượng, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành có biện pháp bình ổn giá vàng, quản lý điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa vàng miếng và thế giới ở mức cao như thời gian qua.
NHNN ngay sau đó cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các ban, ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC, đánh giá việc triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp.
Ngay lập tức, giá vàng SJC rớt không phanh. Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng miếng SJC rớt sâu chỉ còn 68 triệu đồng/lượng mua vào và 74 triệu đồng/lượng bán ra, khiến những người mua vào ở vùng giá trên 80 triệu đồng/lượng đã lỗ tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng phản ứng mạnh khi giãn rộng biên độ giá mua vào - bán ra lên mức kỷ lục 4-6 triệu đồng mỗi lượng với lời giải thích để "phòng ngừa rủi ro".
Chủ một tiệm vàng ở TP HCM đặt câu hỏi tại sao vàng SJC rớt cả chục triệu đồng chỉ vài ngày sau công điện của Thủ tướng Chính phủ? Khan hiếm nguồn cung vàng SJC có phải yếu tố duy nhất đẩy giá vàng miếng phá mọi kỷ lục?
Ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), khẳng định giá vàng trong nước tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng miếng SJC. Nguyên nhân, theo ông Bảng, Nghị định 24 không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi NHNN độc quyền nhập khẩu nhưng nhiều năm qua lại không nhập. Từ đó, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC ngày càng khan hiếm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thành viên của VGTA cho rằng NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ sử dụng một thương hiệu SJC là không theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, một thương hiệu được lưu hành luôn tạo ra độc quyền thiếu cạnh tranh. Do đó, muốn xóa những bất cập này, cần sớm sửa đổi quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, bởi những quy định này hiện đã lỗi thời.
Nghị định 24 đưa ra tiêu chí về vốn, nộp thuế trong 3 năm để cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp cũng được phản ánh là không bình đẳng. Vì hiện nay, hầu như các doanh nghiệp vàng bạc cũng mua - bán vàng miếng nhưng nhà nước không quản lý được.
Lý do là nhu cầu mua vàng miếng trên toàn quốc nhưng các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng không có đủ mạng lưới kinh doanh. Còn hệ thống NH thương mại hiện chỉ còn vài NH kinh doanh vàng miếng, số còn lại hầu như không giao dịch vì sợ rủi ro sau khi NH bán vàng ra lại không mua lại được do thị trường thiếu nguồn cung.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN, thừa nhận từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) không được sản xuất vàng miếng. NHNN chỉ thuê công ty này gia công vàng miếng khi có nhu cầu, hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Trong khi đó, người dân lẫn doanh nghiệp đều có tâm lý nắm giữ vàng miếng nên khi giá vàng thế giới tăng, sức mua trong nước có dấu hiệu khởi sắc, giá vàng miếng SJC tại Việt Nam lập tức bị đẩy lên rất cao.
Sức tiêu thụ vàng luôn tăng
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định hiện tại, thị trường vàng đã được kiểm soát ổn định và thực tế biến động giá vàng không còn ảnh hưởng tới lạm phát. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24. Trong đó, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân và khai thác tiềm lực nguồn vốn này cho nền kinh tế. Số liệu Hội đồng Vàng thế giới cho thấy sức tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam năm sau luôn tăng so với năm trước.