Năm 2024, nền kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ hạ cánh mềm đạt khoảng 2,9%, tăng trưởng giảm nhẹ nhưng không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế hay đổ vỡ nào trên thị trường tài chính. Nhưng cũng giống như năm 2023, năm nay kinh tế Việt Nam vẫn phải chịu những "cơn gió ngược" từ bên ngoài.
Các rủi ro chính trị và thiên tai có thể sẽ khiến chính sách tiền tệ khó đảo chiều hơn, lạm phát có thể quay trở lại khiến các quốc gia khó nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trước đó, giới phân tích dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất từ giữa năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực với cả dòng vốn đầu tư và xuất khẩu bởi Mỹ là hiện đang là đối tác xuất khẩu lớn của nhất của Việt Nam. Lãi suất của Mỹ giảm khiến dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi như Việt Nam mạnh hơn, tạo động lực cho nền kinh tế.
Trong năm 2023, đầu tư nước ngoài (FDI) là điểm sáng quan trọng trong bức tranh kinh tế vĩ mô nhiều màu xám. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước lớn.
Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký mới là hơn 20 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% cao nhất từ trước tới nay.
Trong các năm qua, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc. Giai đoạn trước đây, các trung tâm FDI lớn của Việt Nam chủ yếu tập trung ở phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu hay TP HCM.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các địa phương phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng. Thu hút đầu tư các tỉnh này đều trên 1 tỷ USD, có tỉnh 3 – 4 tỷ USD trong đó phần lớn là vốn đầu tư từ Trung Quốc. Quốc gia này cũng đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc trong đầu tư FDI vào Việt Nam.
Dòng vốn FDI Trung Quốc gia tăng nhằm tránh căng thẳng Mỹ - Trung và thị trường trong nước Trung Quốc đang gặp khó khăn dẫn đến chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.
Thách thức trong thu hút FDI
Với năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, Việt Nam tăng trưởng thế nào phụ thuộc rất nhiều về năng lực thiết kế và điều hành chính sách.
PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, cho rằng Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng trong ASEAN, hiện đang nổi lên như một khu vực tăng trưởng mới của thế giới. Các nhà đầu tư từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đều bày tỏ muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Trong năm 2023, Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản lên chiến lược toàn diện, đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo ông vẫn còn nhiều thách thức trong thu hút FDI mà Việt Nam cần vượt qua nếu muốn biến dòng vốn này trở thành nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.
Để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI trong khu vực và quốc tế thì điều hành và thiết kế chính sách rất quan trọng. Mục tiêu là những thể chế, thiết chế đưa ra đều phải thực hiện thành công trong thực tế, không có tham nhũng, lợi ích nhóm trong chính sách.
Vừa rồi Quốc hội đã thông qua việc Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là rất chính xác bởi cho dù Việt Nam không áp dụng thì các doanh nghiệp vẫn phải nộp về các chính quốc nhưng vấn đề đặt ra là thiết chế hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư là gì?
Theo ông, trên thế giới việc đánh giá chỉ tiêu GEP (Good Experimental Practice, tức là thực hành thiết chế tốt) là rất quan trọng. Mỗi chính sách đưa ra đều phải tập trung giải quyết câu chuyện "tại sao phải đưa ra chính sách này và làm sao để nó đạt hiệu quả tối đa".
Kỳ vọng vào FDI năm 2024
Ở góc độ thận trọng hơn, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng Việt Nam đang có những lợi thế nhất định khi thu hút FDI. Tuy nhiên FDI chủ yếu hướng vào thị trường trong nước để xuất khẩu vì vậy khi kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khó khăn, thị trường chưa hồi phục thì khó có thể kỳ vọng sự đột phá từ khu vực này.
"Chúng ta kỳ vọng lớn từ Mỹ và EU sau việc ký kết EVFTA và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ. Đây là hai trọng điểm để Việt Nam kỳ vọng vào dòng vốn FDI chất lượng cao từ hai thị trường này bên cạnh các nước truyền thống", ông nói.
Theo ông Thế Anh, dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện chủ yếu để xuất khẩu trong đó tập trung vào thị phần chế biến, chế tạo. Đặc biệt là khi thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tỷ trọng của khu vực chế biến, chế tạo trong tổng nguồn vốn FDI tăng lên rất nhiều.
"Do vậy, khi thị trường thế giới khó khăn, xuất khẩu khó khăn thì chúng ta có khó thể kỳ vọng các doanh nghiệp FDI sẽ giải ngân lớn vào Việt Nam. Chỉ khi nào thị trường thế giới hồi phục thì Việt Nam mới có thể kỳ vọng giải ngân vốn FDI bùng nổ", ông cho hay.
Bên cạnh đó, ngoài việc hướng ra xuất khẩu, lợi thế từ các FDI Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và ưu thế nhân công thấp. Yếu tố này có thể duy trì trong vòng 10 năm nữa nhưng lợi thế này đang dần mất đi khi giá cả trong nước ngày càng tăng gây sức ép tăng lương cao hơn. Chi phí đất đai cũng tăng dần sau các sửa đổi của Chính phủ.
Trong thu hút FDI, Việt Nam cũng mất đi ưu đãi về thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách, ưu đãi tương ứng gây những thách thức đối với Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI.
Vì vậy, Việt Nam đứng trước rủi ro về chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng, lợi thế thu hẹp dần. Bên cạnh đó, những vấn đề về cung ứng năng lượng, thủ tục hành chính cũng là những rủi ro lớn của Việt Nam, chuyên gia cho hay.