Ngày 10/4, BS.CK2 Võ Thị Đoan Thục, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, thở máy, 2 ngày trước.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, người này đang tham gia một giải chạy bộ 42 km thì xuất hiện triệu chứng co giật và hôn mê.
Sau đó, anh được cấp cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Các kết quả thăm khám và cận lâm sàng xác định bệnh nhân bị sốc nhiệt, tổn thương gan, thận kèm rối loạn tri giác.
Êkíp tiến hành các biện pháp thở máy, lọc máu, điều trị hỗ trợ. Sau một ngày, tình trạng bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện. Anh được rút ống nội khí quản, tự thở khí trời, các chỉ số sinh hiệu ổn định.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn suy gan và thận, cần tiếp tục lọc máu và điều trị hỗ trợ chức năng gan.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Thục, chạy bộ là môn thể thao được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là giới trẻ.
Dù chạy bộ mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tim mạch, kiểm soát đường huyết, cân nặng và giảm stress, nhưng bộ môn này có thể gây ra nhiều dạng chấn thương, từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nhẹ, người tập có thể bị phồng rộp da do ma sát giữa bàn chân và giày. Nặng hơn, hoạt động này có thể dẫn đến tổn thương xương khớp như viêm cơ, thậm chí hủy cơ.
Bên cạnh đó, việc vận động quá sức, đặc biệt ở người chưa từng tập luyện hoặc có bệnh lý tiềm ẩn về tim mạch, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, hủy cơ, thậm chí đột quỵ tim, não.
Bác sĩ Thục khuyến cáo để đảm bảo an toàn khi chạy bộ, người mới bắt đầu nên đi bộ nhẹ, sau đó tăng dần cường độ tập luyện tùy theo tình trạng sức khỏe. Khi thể lực đã được cải thiện, có thể kết hợp giữa đi bộ và chạy, nâng dần cường độ theo sức bền của cơ thể.