Vào năm 2017, tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), cụ bà Lưu - khi đó đã 65 tuổi - ký hợp đồng mua gói bảo hiểm an sinh giáo dục cho cháu nội vừa tròn 3 tuổi. Hợp đồng trị giá hơn 80.000 tệ (khoảng 280 triệu đồng), được đóng theo định kỳ mỗi quý trong 6 năm.
Theo lời giới thiệu từ nhân viên tư vấn, đây là gói bảo hiểm "song mục tiêu": vừa là tiết kiệm dài hạn, vừa hỗ trợ học phí khi cháu đến tuổi học cấp 2, cấp 3 và đại học. Cụ Lưu không biết chữ nhiều, cũng không rành công nghệ, chỉ nghĩ đơn giản rằng "đóng đều đặn thì 6 năm sau cháu học là có tiền mà dùng".
Trong suốt 6 năm, cụ đều đặn mang tiền đến chi nhánh nộp trực tiếp, không một lần trễ hạn.
Năm 2023, khi cháu nội chuẩn bị vào cấp 2, cụ Lưu mang theo sổ bảo hiểm đến công ty để yêu cầu giải ngân theo hợp đồng. Tuy nhiên, bà nhận được câu trả lời khiến mình gần như ngất xỉu: "Cụ không có tư cách làm thủ tục nhận tiền. Trong hợp đồng, người thụ hưởng hợp pháp không phải cụ, cũng không phải cháu trai của cụ".
Khi bà gặng hỏi, phía công ty giải thích rằng trong thời điểm ký hợp đồng, nhân viên tư vấn đã mặc định để tên người thụ hưởng là "cha của đứa trẻ", tức con trai của bà - nhưng người này đã chuyển ra nước ngoài sinh sống từ năm 2019 và không còn liên lạc.
Trong hợp đồng, bà Lưu chỉ là người "thay mặt đóng phí", chứ không phải người giám hộ hợp pháp cũng không có quyền xử lý tài chính nếu không có giấy ủy quyền. Phía công ty từ chối chi trả, yêu cầu "người thụ hưởng hợp pháp hoặc đại diện pháp lý hợp lệ" đến làm thủ tục.

Ảnh minh họa
Câu chuyện nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Weibo, nhiều cư dân mạng bức xúc thay cho cụ bà: "Người bỏ tiền ra không có quyền lấy lại? Đúng là ma trận hợp đồng", "Không thể trách cụ bà, cũng không thể nói công ty sai, nhưng đây là lỗ hổng chết người trong việc bán bảo hiểm", "Tôi cũng từng được tư vấn kiểu đó: cứ đóng đi, mai sau rút được. Nhưng hợp đồng thì 10 dòng có tới 7 dòng điều kiện loại trừ"...
Một số luật sư sau đó vào cuộc và xác nhận: hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên, quyền nhận tiền chỉ thuộc về người được chỉ định rõ trong mục "thụ hưởng". Nếu không có giấy tờ chứng minh cụ là người giám hộ hợp pháp, thì… đúng là không thể rút.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều phụ huynh, ông bà đầu tư cho tương lai học tập của trẻ bằng các gói bảo hiểm an sinh – giáo dục, sự việc của cụ bà Lưu là một hồi chuông cảnh báo. Chỉ một dòng chữ trong hợp đồng cũng có thể khiến toàn bộ công sức tiết kiệm trở thành vô ích.
Vậy, khi mua bảo hiểm an sinh giáo dục cho con cháu, cha mẹ ông bà cần lưu ý gì?
1. Không chỉ đóng tiền – phải hiểu rõ quyền và tư cách pháp lý
Bạn là người nộp phí, nhưng liệu bạn có quyền nhận tiền không? Ai là người được chỉ định làm thụ hưởng? Nếu xảy ra rủi ro thì ai là người có thể đứng ra xử lý? Những câu hỏi này cần được làm rõ bằng văn bản, không thể chỉ "nghe miệng".
2. Phải kiểm tra hợp đồng kỹ càng, nhất là phần "người thụ hưởng"
Nhiều người không để ý phần này, hoặc để mặc cho nhân viên bảo hiểm điền đại. Nhưng chính phần đó mới là "chìa khoá" quyết định ai sẽ được rút tiền trong tương lai. Nếu có thể, hãy ghi tên trẻ kèm tên cha mẹ và xác định rõ người giám hộ chính thức.
3. Đừng tin hoàn toàn vào lời nhân viên - phải có giấy trắng mực đen
Một bản hợp đồng đầy đủ, minh bạch sẽ luôn rõ ràng về quyền lợi - nghĩa vụ - điều kiện nhận tiền - trường hợp loại trừ. Lời hứa miệng không có giá trị pháp lý. Hãy yêu cầu giải thích mọi điều khoản bằng văn bản.
4. Nếu là ông bà mua bảo hiểm cho cháu, cần thêm giấy uỷ quyền từ cha mẹ trẻ
Trường hợp không phải cha mẹ trực tiếp mua bảo hiểm, người mua cần chuẩn bị đầy đủ giấy uỷ quyền có công chứng - để tránh rắc rối khi nhận quyền lợi.
Tương lai của con cái không thể dựa vào những "niềm tin mù mờ". Bởi một dòng chữ nhỏ trong hợp đồng cũng có thể biến hy sinh cả đời của ông bà cha mẹ thành vô nghĩa.
Theo Sohu