Bất động sản

So sánh chiến lược kinh doanh của Vinhomes vs Novaland: Novaland mở rộng quỹ đất nhờ M&A, Vinhomes đa dạng hoá kinh doanh để gia tăng nguồn thu bền vững

Vinhomes (Vingroup) và Novaland có thể được xem là hai doanh nghiệp dẫn dắt thị trường (market leader) bất động sản Việt Nam hiện nay. Đây cũng là 2 công ty bất động sản đang niêm yết sở hữu giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán.

Sau thành công của những đại đô thị hàng trăm héc ta, Vinhomes đang tập trung nghiên cứu phát triển các siêu dự án có quy mô hàng nghìn tới hàng chục nghìn héc ta, sánh tầm đẳng cấp các siêu đô thị trên thế giới.

Trong khi đó, Novaland chủ động và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tình hình thị trường, đưa ra các dòng sản phẩm phân khúc trung cao với gói tài chính phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, Vinhomes và Novaland đều đề ra những chiến lược phát triển có những điểm tương đồng với những kế hoạch cụ thể như sau:

Tiếp tục tìm kiếm và mở rộng quỹ đất trên khắp cả nước

Với định hướng phát triển các Siêu dự án quy mô cực lớn trong những năm tới, Vinhomes sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất không chỉ tại các vị trí chiến lược ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà còn mở rộng tới những vùng đất rộng lớn và giàu tiềm năng ven biển.

Novaland tiếp tục mở rộng quỹ đất thông qua hoạt động M&A tập trung ở trung tâm TP.HCM và các khu vực vệ tinh, đồng thời sẽ mở rộng về phía đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Trong dài hạn, Novaland sẽ phát triển ra khu vực phía Bắc, bao gồm Hà Nội, các tỉnh thành có kết nối tốt với Thủ đô và các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ. Tổng quỹ đất đã tích lũy và đang nghiên cứu phát triển của Novaland vào khoảng gần 10.600 héc-ta tính đến cuối năm 2021.

Nghiên cứu xây dựng các mô hình siêu dự án

Vinhomes sẽ nghiên cứu xây dựng những siêu đô thị sinh thái ven biển hoặc ven sông, hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông với nhiều đường cao tốc cấp quốc gia và tuyến đường huyết mạch, được thiết kế độc đáo để tạo đột phá với những công trình mang tính biểu tượng.

Trong khi đó, các sản phẩm BĐS của Novaland tiếp tục được bàn giao tới người mua nhà ở tiêu chuẩn cao nhất, với tiện ích đồng bộ tại các dự án BĐS Đô thị Trung tâm, BĐS Đô thị Vệ tinh thông minh, và BĐS Đô thị du lịch cùng hàng trăm tiện ích du lịch - giải trí - văn hóa - chăm sóc sức khỏe đang xây dựng.

Bên cạnh những điểm tương đồng, 2 ông lớn này cũng có những ưu tiên riêng biệt và độc đáo trong chiến lược kinh doanh cho năm 2022.


NOVALAND

PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ 3 DÒNG SẢN PHẨM, MỞ RỘNG BĐS CÔNG NGHIỆP

So sánh chiến lược kinh doanh của Vinhomes vs Novaland: Novaland mở rộng quỹ đất nhờ M&A, Vinhomes đa dạng hoá kinh doanh để gia tăng nguồn thu bền vững - Ảnh 1.

Dự án NOVALAND – THE GRAND MANHATTAN.

Novaland được phát triển từ Anova - một công ty chuyên về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật. Dự án đầu tay của Novaland là Sunrise City - dự án được mua lại từ Him Lam. Thời điểm mở bán khu đầu tiên của Sunrise City (The South) vào năm 2010, thời điểm thị trường còn tương đối khó khăn nhưng công ty đã nhanh chóng vượt qua dưới sự chê bai của những người trong nghề với quan điểm “thị trường này bán cao cấp kiểu gì cũng chết”. 

Sau khi bán thành công khu South, khu Central và khu North được bán dưới giá thấp hơn, đi kèm với giảm hình thức bàn giao. Sau thành công của Sunrise City, Novaland tiếp tục thành công với các dự án khác như Saigon Royal, Golden Mansion, Kingston Residence...

Novaland được mệnh danh là ông vua “đất xen kẹt”. Các dự án của Novaland có quy mô vừa và nhỏ và tập trung phần lớn ở trung tâm thành phố. Dự án Sunrise City có diện tích 51.000m2, Saigon Royal là 6.669m2, Rich Star là gần 30.000m2... Phân khúc sản phẩm của Novaland chủ yếu là sản phẩm trung và cao cấp.

Năm 2021, Novaland đã công bố chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm là việc phát triển đồng bộ ba dòng sản phẩm:

(1) BĐS Đô thị: Tập trung vào phân khúc trung cao cấp tại các vị trí trọng điểm của TP.HCM và các đô thị vệ tinh);

(2) BĐS Đô thị du lịch: Tập trung vào những tỉnh/thành giàu tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, xây dựng mô hình tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí (integrated resort).

(3) BĐS Công nghiệp: Nghiên cứu và phát triển các cụm Khu công nghiệp/Khu đô thị công nghiệp ở các tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh …

Hiện Novaland đã phát triển hơn 50 Dự án BĐS Đô thị và BĐS Đô thị du lịch, đã và đang phát triển 75.000 sản phẩm. Năm 2022, Novaland đặt mục tiêu giới thiệu ra thị trường ít nhất 15.000 sản phẩm mới, với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng như: căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, second home (biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng), biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu …

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, Novaland sẽ phát triển 100.000 sản phẩm; giai đoạn 2026-2030 phát triển và cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm. Trong 20 năm tới, Novaland đặt ra mục tiêu sẽ có 50 Khu đô thị tại 30 tỉnh thành giàu tiềm năng về kinh tế - du lịch và đang cần các Tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia phát triển cùng địa phương.


VINHOMES 

ĐA DẠNG HÓA LĨNH VỰC KINH DOANH ĐỂ GIA TĂNG NGUỒN THU BỀN VỮNG

So sánh chiến lược kinh doanh của Vinhomes vs Novaland: Novaland mở rộng quỹ đất nhờ M&A, Vinhomes đa dạng hoá kinh doanh để gia tăng nguồn thu bền vững - Ảnh 2.

Dự án THE LANDMARK 81 – VINHOMES CENTRAL PARK.

Vinhomes là công ty phát triển mảng kinh doanh nhà ở của tập đoàn Vingroup. Dự án đầu tay của Vingroup là Times City (2011) tại thị trường Hà Nội khi tập đoàn này mua lại dự án từ Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Sau khi Vingroup và Vinpearl Land sáp nhập, Vingroup chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn, Vinhomes hoạt động một cách độc lập và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vinhomes tập trung vào phân khúc cao cấp nhưng quy mô của các dự án lớn hơn. Dự án nổi bật nhất của Vinhomes Central Park tại Q.Bình Thạnh với diện tích 43 ha. Các dự án của Vinhomes có quy mô khá lớn và đi theo mỗi dự án là hệ sinh thái được phát triển bởi Vingroup như bệnh viện VinMec, siêu thị VinMart (nay là WinMart - đã bán cho Masan), trường học Vinschool...

Chú trọng vào chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Mô hình kinh doanh O2O (Online-to-Offline) được Vinhomes phát triển và đưa vào hoạt động chính thức trong năm 2021, không chỉ tối ưu hóa trải nghiệm mà còn hỗ trợ hoạt động kinh doanh sơ cấp và thứ cấp của nhiều đối tượng từ người mua nhà, nhà đầu tư đến các đại lý môi giới thông qua đa dạng nền tảng tương tác.

Năm 2022, Vinhomes sẽ không ngừng hoàn thiện và nâng cấp các nền tảng thuộc hệ sinh thái O2O để hỗ trợ kinh doanh, tăng cường hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Nguồn nhân lực luôn được Vinhomes ưu tiên đầu tư phát triển với chất lượng cao để có thể đáp ứng tốc độ phát triển mạnh mẽ. Việc chuẩn bị, đào tạo lực lượng cán bộ lãnh đạo để sẵn sàng quản lý các dự án mới cũng là một trong những ưu tiên được Công ty tập trung đẩy mạnh.

Nâng cao chất lượng sống cho cư dân và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh

Ba Đại đô thị thông minh đầu tiên là Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Grand Park đã và đang thiết lập tiêu chuẩn sống mới để Công ty tiếp tục ứng dụng những công nghệ cao cấp hơn nữa tại các dự án trong tương lai.

Bốn trụ cột bao gồm An ninh an toàn thông minh, Tiện ích thông minh, Căn hộ thông minh và Quản lý đô thị thông minh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, xây dựng môi trường sống tiện ích, hiện đại tầm cỡ quốc tế cho cư dân.

Ngoài mảng kinh doanh BĐS nhà ở cốt lõi, Vinhomes sẽ tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh thông qua việc mở rộng hoạt động cho thuê căn hộ, biệt thự dịch vụ và văn phòng, giúp gia tăng nguồn doanh thu bền vững, ổn định và nâng cao giá trị cho thương hiệu.

Đẩy mạnh xúc tiến phát triển bất động sản công nghiệp

Trong năm 2021, bộ phận phát triển BĐS công nghiệp của Vinhomes đã ghi nhận sự quan tâm lớn từ các khách hàng tiềm năng cả trong và ngoài nước, cho thấy nhu cầu và tiềm năng phát triển của phân khúc này.

Năm 2022, Vinhomes sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến đầu tư, sẵn sàng ký kết với các đối tác ngay khi những dự án khu công nghiệp đầu tiên đi vào hoạt động.

Với những yếu tố vĩ mô thuận lợi và xu hướng tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, BĐS công nghiệp được tin tưởng sẽ trở thành một trong những mảng kinh doanh trụ cột, đóng góp doanh thu ổn định cho Vinhomes trong tương lai.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vinhomes đạt 230.516 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng tài sản của Novaland là 201.834 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cuối năm 2020. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Vinhomes và Novaland lần lượt là 38.825 tỷ đồng và 3.455 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm