Tham vọng sản xuất 600.000 xe điện tại Việt Nam bán vào thị trường Mỹ
Những câu mở đầu lời tựa mở đầu báo cáo thường niên 2021 của Vingroup đã cho thấy khát khao xây dựng một thương hiệu xứng tầm thế giới của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, người đứng đầu Vingroup dùng phần lớn thời gian thảo luận để chia sẻ về chiến lược phát triển xe ô tô điện VinFast cho cổ đông, đại điện quỹ đầu tư, truyền thông.
Một chiến lược cụ thể được Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ trong câu chuyện phát triển ô tô điện VinFast từ tài chính, sản xuất pin điện, bán hàng, marketing … cho đến từng cái từng cái tem, ốc vít trên chiếc xe.
Trong mắt vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đây là thời cơ vàng để VinFast chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng vị thế và thương hiệu. Tham vọng của hãng xe Việt này là bán 750.000 chiếc xe điện vào nước Mỹ vào năm 2026, trong đó có 600.000 chiếc đến từ Việt Nam. Vậy VinFast sẽ làm gì để hiện thực hóa tham vọng lớn?
Về mặt tài chính, Vingroup đang phân bổ nguồn lực lớn vào các kế hoạch lớn, trong đó có VinFast. Sự ưu tiên nguồn lực được chủ tịch tập đoàn ví “từng đồng, từng hào đều quý” ở thời điểm này.
Xây dựng công nghiệp phụ trợ ô tô, nâng tỷ lệ nội địa hóa xe VinFast lên 80%
Tuy nhiên, trong câu chuyện đứt gãy nguồn cung toàn cầu như chip, linh kiện hiện nay, thì tiền không phải là tất cả. Nguồn cung, nhà cung cấp mới là vấn đề then chốt mà VinFast và các hãng xe điện đều đang phải đối mặt và giải quyết.
“Chúng tôi đang rất quyết liệt, ngày đêm tập trung vào nghiên cứu phát triển xe, giải quyết tìm kiếm từng linh kiện, từng nguồn cung”, Chủ tịch Vingroup nói.
Kết cấu một chiếc xe ô tô điện VinFast hiện có khoảng 3.000 – 4.000 cụm linh kiện, tương ứng khoảng 40.000 linh kiện thành phần. Việc thiếu đi từng chi tiết nhỏ như chiếc tem, chiếc ốc vít cũng khiến xe không thể xuất xưởng.
“Chỉ thiếu một linh kiện chúng ta không ra được xe. Đấy là thách thức vô cùng lớn”, ông Vượng cho biết.
Đây là bài toán đặt ra cần phải giải nhanh của hãng xe Việt. Tăng nội địa hóa, thu hút những nhà sản xuất lớn đến với Việt Nam là đáp số để giải bài toán trên trong dài hạn. Vingroup muốn phát phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast là 60%, mục tiêu hướng tới là 80%.
Bất động sản khu công nghiệp trong hệ sinh thái của Vingroup sẽ phục vụ câu chuyện trên. Các doanh nghiệp sản xuất kinh kiện, phụ trợ cho nền công nghiệp ô tô, rộng hơn là cả nền kinh tế sẽ được chào đón trong các khu công nghiệp của tập đoàn.
Đơn cử với khu công nghiệp tại Vũng Áng, một phần diện tích dành cho VinFast lắp ráp, VinIS sản xuất pin, song phần lớn là doanh nghiệp sản xuất ô tô. Vingroup sẽ cung cấp những ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất như miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong 10 – 15 năm. Vị chủ tịch hé lộ đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy tại Việt Nam, đây là một linh kiện khan hiếm với với chỉ xe điện mà còn cả xe xăng, hay nhiều lĩnh vực khác.
“Khi đảm bảo nguồn cung chúng ta sẽ phát triển rất nhanh vì trên thế giới bây giờ chỉ thiếu xe chứ không phải thừa xe, nếu chúng ta có xe chúng ta có thể bán được rất nhanh ở rất nhiều thị trường. Chúng tôi cho đây rằng đây là cơ hội vàng, cho nên chúng tôi phải thúc đẩy quyết liệt câu chuyện này”, chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Giải quyết câu chuyện pin xe tận tốc, tới cả vật liệu thô, công ty khai thác mỏ
Sau câu chuyện tổng thể cần giải quyết về nhà cung cấp, bài toán về pin – linh hồn của chiếc xe cũng được giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện trong sản xuất pin, không chỉ lithium, niken, coban, hay đơn giản như graphits đều rất thiếu.
Vingroup đã lập danh sách 6 nhóm nguyên vật liệu trên để nghiên cứu chiến lược dự trữ lâu dài. Với quy mô vài trăm nghìn xe mỗi năm như hiện nay, đây chưa phải là vấn đề lớn. Nhưng trong tương lai, sản lượng rất lớn sẽ là thách thức.
Để giải quyết, Vingroup sẽ tìm các mối hợp tác liên hệ để có thể giải quyết từ nguồn nguyên vật liệu thô, hợp tác với các công ty khai thác mỏ để đặt mua khối lượng lớn với kế hoạch dài hạn. Cùng với đó, chiến lược tái chế pin dù là câu chuyện của 20 năm tới nhưng cũng đã được đặt lên bài cân từ sớm.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cam kết rằng VinFast sẽ tái chế pin bởi đó khi chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn là yếu tố môi trường. Nhà sản xuất xe Việt không xả thải ra ngoài môi trường.
Chiến lược marketing, bán hàng của VinFast
Đi tiếp trong câu chuyện sản xuất và phát triển ô tô điện, bán hàng đưa sản phẩm tới người tiêu dùng sẽ là then chốt quyết định sự thành bại. Làm thế nào để bán hàng là câu hỏi tiên quyết với những nhà sản xuất.
Theo Chủ tịch Vingroup đánh giá để đưa xe vào các thị trường như Mỹ, châu Âu với một thương hiệu Việt Nam rất là non trẻ từ một đất nước chưa có nền công nghiệp phát triển là khó khăn thách thức. Ba chiến lược được đưa ra.
Thứ nhất, là sản phẩm tốt, chất lượng tốt. Thứ hai là giá hợp lý. Chiến lược cho thuê pin của VinFast sẽ giúp khách hàng giảm chi phí đầu tư ban đầu khi mua xe. Thứ ba là hậu mãi. Hãng xe Việt sẽ xây dựng tiêu chuẩn hậu mãi toàn cầu.
Về chiến lược marketing, VinFast sẽ marketing trực tiếp, thông qua các triển lãm để quảng bá thuyết phục người dùng tương lai tiềm năng trải nghiệm xe để thấy chất lượng và đẳng cấp.
“Bây giờ chúng ta quảng cáo suốt ngày không ai nghe không ai tin… Chúng tôi chứng minh, thuyết phục từng người một, qua đó để lan tỏa. Đấy là chiến lược về marketing. Tôi tin rằng là khó khăn nhưng chúng tôi vẫn thực hiện được kế hoạch của mình”, chủ tịch Vượng nói.