Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research cho hay số liệu vĩ mô trong tháng 7 cho thấy nhiều tín hiệu trái chiều, và nhìn chung nền kinh tế chưa cho thấy sự bứt phá mạnh.
Cụ thể, ngành sản xuất đã đi qua giai đoạn đáy nhưng tín hiệu phục hồi chưa rõ ràng và có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Trong các ngành cấp 2, nhóm tăng trưởng chính là phân bón (+16,1%), thép (+15,4%) hoặc thực phẩm (+11,4%). Nhóm hàng may mặc đã chuyển sang tăng trưởng dương (+ 0,2%) sau nhiều tháng ghi nhận sụt giảm.
Mặt khác, ngành điện tử (-1,9%) và sản xuất xe có động cơ (-6,6%) vẫn chứng kiến sự sụt giảm do nhu cầu yếu.
Chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế về chế biến chế tạo như Bình Dương (-13,2%), Đồng Nai (-10,1%), Thái Nguyên (-7,7%), Hải Phòng (- 7,4%) hay Bắc Ninh (-1,4%).
Tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng chậm lại, với hiệu ứng nền thấp của doanh thu du lịch không còn rõ nét.
Ngoài ra, lạm phát bật tăng trở lại và kỳ vọng sẽ còn ở mức cao trong quý III trước khi hạ nhiệt dần trong quý IV.
"Tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cơ bản chậm hơn nhiều so với lạm phát chung. Bình quân 7 tháng lạm phát tổng thể tăng 3,12% - vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ trong khi lạm phát cơ bản ghi nhận tăng 4,65%. Đóng góp lớn nhất cho CPI tháng 7 là giá thịt heo (+2,7% so với tháng trước) và giá điện sinh hoạt (tăng 3,87%). Giá xăng dầu ghi nhận giảm 0,11% so với tháng trước, tuy nhiên kỳ vọng sẽ bật tăng trong tháng 8 khi giá dầu thô thế giới đang có xu hướng tăng dần", báo cáo nêu.
Về FDI, đầu tư FDI duy trì tốc độ ổn định nhưng giá trị dự án đăng ký mới đang nhỏ dần lại, trong khi đó đầu tư công chưa có sự bứt phá mạnh trong tháng 7.
Theo SSI, tỷ giá phần nào hạ nhiệt về cuối tháng nhưng rủi ro về tỷ giá vẫn cần được lưu ý, trong bối cảnh có độ lệch pha về chính sách giữa Việt Nam và thế giới.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhanh, đặc biệt trong tháng 7, tốc độ giảm của lãi suất cho vay nhanh hơn nhiều so với lãi suất huy động.
Nhóm phân tích dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm ở mức 4,5% - 5%. Theo SSI, các nỗ lực từ phía NHNN và Chính phủ có thể sẽ phải gặp các trở ngại do cần phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng và sự ổn định vĩ mô và các điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt. Điểm tích cực có thể đến từ sự phục hồi nhanh hơn của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.