Ngày 10-8, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sở này vẫn đang xem xét thận trọng mọi khía cạnh trong việc bố trí công việc trở lại đối với ông Hoàng Văn Đức, nguyên giám đốc và ông Hà Thúc Nhật ,nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, kiêm kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên - Huế khi 2 người này được tại ngoại sau một thời gian bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tạm đình chỉ vụ án chờ thẩm định thiệt hại
Vào ngày 17-2-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có các quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Thừa Thiên - Huế. Đồng thời khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Đức và ông Nhật để điều tra sai phạm liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp đó, 2 người này bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ.
Cơ quan công an thu thập tài liệu điều tra vụ án tại CDC Thừa Thiên - Huế vào hồi tháng 2-2022.
Vào ngày 14-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 2 quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với ông Đức và ông Nhật. Căn cứ công văn trả lời của Sở Nội vụ tỉnh, ngày 8-8, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành 2 thông báo gửi CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc xem xét cho phép ông Đức và ông Nhật được quay trở lại đơn vị công tác và bố trí công việc cho họ.
Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân tạm đình chỉ vụ án là do hết thời hiệu điều tra trong khi chờ trả lời của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thừa Thiên - Huế về trưng cầu giá trị thiệt hại theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên - Huế.
Khi có kết quả định giá thì sẽ tiếp tục khôi phục vụ án để điều tra theo quy định. Ông Đức và ông Nhật chỉ mới được thay đổi biện pháp ngăn chặn trong thời gian tạm định chỉ vụ án và vẫn trong diện điều tra bị can.
Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi nhận được công văn của Sở Y tế thì sở này phúc đáp rằng việc này thuộc thẩm quyền của Sở Y tế; việc bố trí công việc trở lại hay không là căn cứ Luật Viên chức để thực hiện. "Việc quản lý viên chức hiện nay đã phân cấp cho các sở hết rồi. Đây không phải thẩm quyền của chúng tôi" – ông Đông nói thêm.
Có thể đi làm trở lại
Theo luật sư Võ Công Hạnh - Giám đốc Công ty Luật Công Khánh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế, Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 có quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật".
Điều 13, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu rõ: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Như vậy, nếu một người chỉ mới bị khởi tố mà chưa có bản án kết tội thì những quyền công dân cơ bản vẫn có thể được bảo vệ. Do đó, ông Đức và ông Nhật hiện nay vẫn còn đầy đủ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền lao động.
Tại khoản 1 Điều 81, Luật Cán bộ, công chức quy định về các trường hợp về Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức nêu: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ".
Đối chiếu với quy định trên thì việc 2 cán bộ của CDC Huế bị khởi tố và được tại ngoại không thuộc trường hợp bị tạm đình chỉ công tác nên có thể đi làm trở lại. Ngoài ra, người bị khởi tố là cán bộ, công chức còn được điều chỉnh theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo khoản 4, Điều 3, Nghị định 112/2020/NĐ-CP, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật trong đó có trường hợp: "Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền".
Điều 41, Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng quy định: Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng.
Vì vậy, nếu chưa có bản án của tòa án thì cán bộ khi bị khởi tố mà được cho tại ngoại vẫn được hưởng lương và được quyền đi làm nếu không ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố và xét xử.