Mặc dù, số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 5/2022 không bằng con số trong tháng 4/2022, tuy nhiên, vẫn tiếp tục giữ được đà tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao nhất trong tháng 5 từ trước đến nay (cao hơn mức trung bình 11.001 trong tháng 5 của giai đoạn 2017-2021).
Tiếp tục khởi sắc
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2022 là 13.370 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 125.753 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và giảm 16,5% về vốn đăng ký.
Trong tháng 5/2022, 6 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Tây Nguyên (456 doanh nghiệp, tăng 37,3%); Trung du và miền núi phía Bắc (633 doanh nghiệp, tăng 29,4%); Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (1.906 doanh nghiệp, tăng 26,3%); Đồng bằng sông Hồng (4.268 doanh nghiệp, tăng 22,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (987 doanh nghiệp, tăng 17,6%) và Đông Nam bộ (5.120 doanh nghiệp, tăng 3,5%).
Cũng trong tháng 5/2022, cả nước ghi nhận có 5.207 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021. Về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 5/2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, cả nước có 10.489 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,7%. Trong đó, 4.964 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 46,0%; có 4.186 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,1%; có 1.339 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 4,7%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 là 89.466 người, tăng 24,0%.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết thêm, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 là 62.961 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 761.035 tỷ đồng, giảm 2,2%.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445.382 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 761.035 tỷ đồng, giảm 2,2%. Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.684.347 tỷ đồng, tăng 72,7%...
Thích ứng để gia tăng
Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.
Đặc biệt, để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.
Cùng với việc hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn, các địa phương cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bình ổn giá. Đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.
Đổi mới công nghệ quốc gia cũng là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị sản xuất, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp - lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo để chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao...
Theo đó, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm, từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới đến đổi mới quy trình gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ; đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác…