Tài chính

Vốn hóa Hòa Phát, VPBank, Techcombank "bốc hơi" mạnh nhất tháng 5, FPT, Vinhomes, GAS ngược dòng ấn tượng

Ngành tài chính thế giới có câu: 'Sell in May and go away', nói về việc các số liệu thống kê cho thấy thị trường có xu hướng giảm trong trong tháng 5, và khuyên nhà đầu tư nên bán cổ phiếu.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay, tháng 5 chứng kiến nhiều phiên giảm sâu của thị trường, như phiên 6/5 (-31 điểm), phiên 9/5 (-60 điểm), phiên 12/5 (-63 điểm) và phiên 13/5 (-56 điểm).

Đến những phiên giao dịch cuối tháng, thị trường hồi phục trở lại, trong đó có chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp từ 24/5 đến 30/5. Tuy nhiên, tổng kết tháng 5, VN-Index vẫn mất 74 điểm, giảm 5,42% so với thời điểm cuối tháng 4.

Số liệu của HOSE cho biết, vốn hóa thị trường đã giảm gần 296.000 tỷ đồng, từ 5,422 triệu tỷ đồng thời điểm cuối tháng 4, xuống còn 5,127 triệu tỷ đồng sau khi kết thúc phiên giao dịch 31/5.

Theo thống kê, toàn thị trường hiện nay vẫn duy trì 17 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi khi Sabeco vừa tụt hạng và thay thế bởi FPT.

Vốn hóa Hòa Phát, VPBank, Techcombank bốc hơi mạnh nhất tháng 5, FPT, Vinhomes, GAS ngược dòng ấn tượng - Ảnh 1.
  • Chủ tịch HPG Trần Đình Long: "2 tháng nữa có KQKD quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào"

Trong số 17 doanh nghiệp quy mô trên 100.000 tỷ, vốn hóa giảm mạnh nhất là Hòa Phát, với mức giảm hơn 38.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngay sau khi công ty này tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Tại đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long đã dùng từ "thê thảm" để nói về kết quả kinh doanh của Hòa Phát, trong bối cảnh ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn. Từ vị trí  doanh nghiệp lớn thứ 5, Hòa Phát đã tụt xuống vị trí thứ 8 trong tháng qua.

Đứng sau Hòa Phát là hai ngân hàng tư nhân lớn nhất hiện nay: VPBank và Techcombank, với mức giảm vốn hóa 25.000 tỷ đồng và 24.000 tỷ đồng trong tháng 5. Các ngân hàng BIDV, Vietcombank, MB cũng đánh mất vài nghìn tỷ đồng vốn hóa.

Ở chiều ngược lại, GAS và Vinhomes là 2 doanh nghiệp có vốn hóa tăng mạnh nhất. Nhờ đó, Vinhomes vượt qua Vingroup để một lần nữa trở thành doanh nghiệp lớn thứ hai trên thị trường, còn GAS tiếp tục giữ vững vị trí thứ tư.

Vốn hóa Hòa Phát, VPBank, Techcombank bốc hơi mạnh nhất tháng 5, FPT, Vinhomes, GAS ngược dòng ấn tượng - Ảnh 3.

Về tỷ lệ giảm giá, mức giảm của cổ phiếu Hòa Phát, Techcombank, VPBank, Tập đoàn Cao su và MB mạnh hơn so với mức giảm của VN-Index. Giá cổ phiếu Hòa Phát đã giảm gần 20% trong tháng còn Techcombank và VPBank giảm trên 15%.

BIDV và Vietcombank tuy có giá trị vốn hóa giảm mạnh hơn MB, nhưng tính theo tỷ lệ thì chỉ giảm 5,2% và 2,5%, thấp hơn so với MB (giảm 6,9%).

Vốn hóa Hòa Phát, VPBank, Techcombank bốc hơi mạnh nhất tháng 5, FPT, Vinhomes, GAS ngược dòng ấn tượng - Ảnh 4.

Bước sang tháng 6, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ khởi sắc hơn nhiều so với tháng 5. Báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect cho biết, có 4 yếu tố có thể hỗ trợ thị trường.

Thứ nhất, tình hình COVID-19 ở Trung Quốc được cải thiện sẽ góp phần giải quyết những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng. Thành phố Thượng Hải đã nới lỏng giãn cách xã hội và có thể sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn vào giữa tháng 6.

Thứ hai, tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới. Tăng trưởng kinh tế quý 2 của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục cải thiện so với quý 1, do các dịch vụ không thiết yếu bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí đã được mở lại hoàn toàn. Bên cạnh đó là các gói kích thích kinh tế mới (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng... Ngoài ra còn có dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế, và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ.

Thứ ba, chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng. Ngày 20/5, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 31 về việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay vốn. Khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được sử dụng để hỗ trợ, tương đương với khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng trong đợt ưu đãi này (theo tính toán của Bộ Tài chính). Gói này tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia, và doanh nghiêp kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải). Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất trong thời gian tối đa là hai năm, đến cuối năm 2023.

VnDirect cho rằng, gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.

Và thứ tư, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2022-2023. Tăng trưởng lợi nhuận một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ năm 2022, bao gồm Hàng công nghiệp và Dịch vụ (đóng góp lớn từ ACV), Bán lẻ và Bất động sản trong khi tăng trưởng của nhóm Dầu khí, Tiện ích và Công nghệ vẫn tương đối mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm